Chỉ cho phép tăng nhẹ 2-3%
Ghi nhận từ đại diện một số siêu thị như Metro, Big C, Lottemart, Fivimart…, nhiều nhà cung ứng hàng hóa đã gửi thông báo đề xuất tăng giá hàng hóa với mức tăng thêm từ 5-10% so với trước.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thừa nhận có tình trạng này, và cho biết, yêu cầu tăng giá tập trung ở 20-30% nhóm hàng, chủ yếu là nhóm hàng sữa, hàng ăn, lương thực thực phẩm, bánh kẹo, gia vị, hàng nhập khẩu… Theo ông Phú, nguyên nhân tăng giá là do việc tăng giá xăng dầu và điện từ trước đó, cộng thêm áp lực từ việc điều chỉnh tỷ giá.
Cụ thể, với một số mặt hàng như sữa nhập khẩu thì siêu thị phải chấp nhận tăng giá do nguy cơ thiếu hàng. Với những đề xuất tăng chỉ từ 2-3%, trong phạm vi chấp nhận thì siêu thị sẽ xem xét nhanh chóng và có thể chấp nhận. Song, với mặt hàng tăng giá quá cao, chiết khấu nhiều, từ mức tăng 5% trở lên sẽ tiến hành đàm phán kỹ càng theo hướng đối trọng, các thành viên hiệp hội cùng đại diện siêu thị, tạo sức ép lên nhà cung ứng.
Ông Phú nhận định, từ nay tới cuối năm, áp lực tiêu dùng sẽ ngày một lớn, đặc biệt khi một số loại giá cả như nước sạch, học phí, dịch vụ y tế đều sẽ tăng… Do đó, việc tăng giá hàng hóa là điều khó tránh khỏi. Hiện sức mua trên thị trường vẫn rất yếu, doanh số bán lẻ 7 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 4%, tức là giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ 2012. Dù các siêu thị đã tung ra thị trường nhiều chương trình khuyến mại kích cầu nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Tàu xe, dịch vụ cam kết giữ giá dịp 2-9
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, hiện chưa có đơn vị vận tải nào đề xuất vấn đề tăng giá. Thông thường, các DN lớn sẽ động thái tăng giá đầu tiên, tiếp đó các DN khác mới căn cứ để tăng.
Riêng về giá vé dịp lễ 2-9 tới, có sự không đồng đều giữa 3 miền. Ông Thượng Thanh Hải, Phó TGĐ Bến xe miền Đông cho biết, dự kiến sản lượng vận tải tuyến cố định không tăng so với năm 2012 và so với sản lượng ngày thường, lượt xe xuất bến tăng bình quân hơn 20%, lượt khách tăng gần 38%, đồng thời tập trung cao điểm phục vụ từ chiều 30-8 đến 1-9. Giá vé vì thế được đề nghị phụ thu 30% giá cước cơ bản để bù đắp chi phí chiều xe chạy rỗng.
Như vậy, việc đề xuất tăng giá là do đặc thù, chỉ tăng trong những ngày nhất định, tuyến nhất định vì xe chạy một chiều. Với Hà Nội, Sở Tài chính đã từng có chủ trương này nhưng rất phiền hà, vì việc phát hành vé liên quan đến cơ quan ấn định giá, nên sẽ không có hiện tượng tăng giá vé.
Tuy nhiên, ông Liên lưu ý, cần chú ý khả năng trong ngày lễ tới, bến xe Mỹ Đình sẽ có nguy cơ ùn tắc do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh các tuyến xe khách vừa qua.
Đại diện các hãng lữ hành như Vietravel, Saigontourist, Hanoi Redtours… đều cam kết, giá tour dịp 2-9 năm nay sẽ giảm để kích cầu thị trường. So với 2-9 năm ngoái, Vietravel dự kiến phục vụ khoảng 7.000 lượt khách lẻ, nếu tính cả số lượng khách đi theo đoàn, con số này tăng lên khoảng 14.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách và doanh thu vẫn sẽ giữ ở mức 30% so với cùng kỳ.