Theo nhận định của Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính, tình hình tăng giá một số nhóm hàng thời gian vừa qua có nguyên nhân quan trọng là do giá một số nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như LPG, xăng dầu thành phẩm tăng tác động đến giá trong nước.
Bên cạnh đó, lương cơ sở của cán bộ công chức tăng thêm 100.000 đồng/tháng cũng tạo điều kiện để cải thiện sức mua. Ngoài ra tỷ giá có xu hướng tăng, tỷ giá bình quân liên ngành ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đồng USD tăng 1% từ 28-6-2013, tỷ giá giao dịch trên thị trường có xu hướng tăng gây áp lực tâm lý và tác động vào giá hàng hóa NXK.
Phân tích về dự báo giá của các mặt hàng trong tháng 8, Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính cho biết: Tháng 8-2013, một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường như việc tăng viện phí của Hà Nội hay việc một số địa phương đề xuất tăng học phí…
Về diễn biến lúa gạo, Cục Quản lý giá nhận định: Do nhu cầu về gạo vẫn thấp, dự báo giá gạo thế giới giảm hoặc ổn định như hiện nay; giá thóc, gạo trong nước dự báo ổn định.
Với mặt hàng nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân là sữa bột, Cục Quản lý giá cho rằng: Giá mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi ổn định so với tháng 6-2013. Dự báo giá sữa sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong thời gian tới.
Về diễn biến giá xăng dầu, dự báo trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, xã hội thế giới, dự đoán giá xăng, dầu thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong tháng 8-2013 các chủng loại xăng dầu có thể ổn định so với tháng 7-2013.
Với đồng USD, trong tháng 7-2013, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.036 đồng/USD, ổn định so với thời điểm cuối tháng 6-2013. Được biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau khi áp dụng mức tỷ giá mới ngày 28-6, thị trường ngoại tệ và tỷ giá khá ổn định.
Đầu tháng 7-2013 tại ngân hàng thương mại, tỷ giá được niêm yết 21.160- 21.220 đồng/USD, tuy nhiên, bước sang trung tuần của tháng 7-2013, tỷ giá tại ngân hàng thương mại có xu hướng tăng cao, hầu hết các ngân hàng đều đẩy giá bán USD lên mức kịch trần (21.230-21.246 đồng/USD). Trên thị trường tự do, giá bán USD có lúc đã chạm mức gần 22.000 đồng/USD.
Lý giải về hiện tượng này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đây chỉ là yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ và có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ. Để ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Sau những động thái can thiệp mạnh từ phía Ngân hàng Nhà nước, đến trung tuần tháng 7, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đã bớt căng thẳng. Đến cuối tháng, tỷ giá USD giảm đáng kể, tại Ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết ở mức mua vào/bán ra là 21.130-21.190 đồng/USD giảm lần lượt cả chiều mua vào/bán ra 100-56 đồng/USD so với thời điểm tỷ giá tăng cao tại trung tuần tháng 7-2013.