Từ cuối năm 2012 cho đến nay, nhiều doanh nghiệp chưa một lần tăng giá bán. Trong khi đó, tính đầu vào bao gồm giá nguyên liệu tăng, giá nhân công tăng, giá xăng tăng 3 lần... việc không tăng giá khiến doanh thu của doanh nghiệp không những không giảm mà còn tăng 10% so với những năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp lại ngày càng teo tóp.
Ảnh: VTV News
Trước tình hình khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, chủ nhân doanh nghiệp này cho biết đang lên kế hoạch tăng giá từ 5-10% trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sai Gon Food cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm tăng giá sao cho phù hợp. Tăng như thế nào để mình không bị lỗ quá nhiều mà người tiêu dùng chịu được và hệ thống siêu thị chấp nhận được. Mức tăng giá có thể từ 5-10%”.
Ở các hệ thống siêu thị cũng thông báo đã có nhiều nhà cung cấp được siêu thị đồng ý cho áp dụng mức giá mới tăng khoảng 8% trong thời gian tới. Nhiều Siêu thị cũng nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ phía nhà cung cấp nhưng do ở đây thực hiện chương trình khuyến mại lớn nên các đề xuất tăng giá đang được xem xét trước khi duyệt.
Hàng tháng nay, hệ thống siêu thị đã và đang nhận được đề nghị tăng giá từ khoảng 5-15% của hơn 20 nhà cung cấp ở các nhóm hàng như đồ dùng gia đình, thực phẩm, hóa mỹ phẩm.
Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị đều cho biết, do sức mua vẫn yếu nên việc tăng giá được cân nhắc kỹ lưỡng. Họ phải xem xét từng trường hợp trước khi có quyết định chấp nhận tăng giá hay không.
Cùng với việc tăng giá xăng dầu, lương, ga, tỷ giá... đã tạo áp lực tăng chi phí đầu vào, nên dù sức mua thấp nhưng doanh nghiệp vẫn buộc phải tăng giá khi không còn sức chịu đựng. Việc tăng giá không chỉ đảm bảo lợi nhuận mà còn là mục tiêu sống còn của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất.