Vừa qua, một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp ở một số ngành hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, may mặc…, mức tăng trung bình 5%-10%; thậm chí mặt hàng bánh kẹo ngoại đề nghị mức tăng cao nhất 20%-25%. Ghi nhận tại các chợ lẻ cũng cho thấy giá một số mặt hàng thiết yếu đã “nhích” nhẹ.
Tăng thêm 1.000 đồng cũng khó bán
Cụ thể, một số tiểu thương tại chợ lẻ cho biết hiện nay nước mắm Chin-Su Nam Ngư 750 ml từ 25.500 đồng nay tăng 26.500 đồng/chai, loại 500 ml từ 17.500 đồng lên 18.500 đồng, nước tương Chin-Su Tam thái tử Nhất ca 500 ml tăng 1.000 đồng lên 13.500 đồng, nước tương Maggi đậm đặc 750 ml từ 23.000 đồng lên 24.000 đồng/chai, nước rửa chén Sunlight 386 ml tăng 500 đồng lên 13.500 đồng/chai.
Anh T, chủ tiệm tạp hóa tại chợ Tân Phú 1, nói vừa rồi có nghe nhân viên tiếp thị nước tương Maggi, dầu ăn Tường An nói đầu tháng 8 tới sẽ tăng giá khoảng 1.000 đồng/chai. Theo anh T., nếu đầu tháng có tăng giá thì đến nửa tháng sau đó mới áp dụng giá mới vì lượng hàng còn vẫn bán giá cũ.
Hiện một số DN và siêu thị không dám tăng giá, ngược lại còn gia tăng khuyến mãi để kích sức mua tiêu dùng. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN
Các tiểu thương cho biết họ không được biết lý do vì sao tăng giá, chỉ nghe nhân viên tiếp thị thông báo lại. Nhưng mức tăng khoảng 1.000 đồng vẫn khiến việc buôn bán của họ thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết mới đây đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm chế biến như dầu ăn, bánh kẹo với mức tăng 5%-10%, áp dụng vào tháng 8 và 9. Lý do nhà cung cấp đưa ra là chi phí đầu vào tăng. Lotte Mart chưa chấp nhận mà đang xem xét yêu cầu này có hợp lý hay không. Nếu xét thấy hợp lý, Lotte Mart sẽ yêu cầu nhà cung cấp hỗ trợ nhiều chương trình khuyến mãi, cho biết kế hoạch doanh thu nếu tăng giá như thế nào…, khi đó mới đồng ý.
Tương tự, theo đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart thì tháng vừa rồi cũng nhận được đề nghị tăng giá một số mặt hàng như đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, may mặc với mức trung bình 3%-5%. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là từ đầu năm đến nay đã đề nghị tăng giá nhưng chưa được đồng ý. “Cho đến thời điểm này, Co.opmart không những không áp dụng giá mới mà còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để kích sức mua. Chúng tôi đánh giá những yêu cầu tăng giá này mang tính định kỳ đến hẹn lại lên, không thuyết phục” - vị đại diện nói.
Một hệ thống siêu thị khác lại nhận được lý do tăng giá từ các nhà cung cấp bánh kẹo ngoại nhập là tỉ giá tăng. Trong đó, mức tăng thấp nhất là 5% và cao nhất là 20%-25%. Đề nghị này đang được siêu thị xem xét.
Trong khi đó, với quan điểm chia sẻ với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp (DN) hiện nay, một nhà phân phối khác cho rằng nếu các mặt hàng thiết yếu buộc phải tăng giá thì siêu thị phải chấp nhận. Tuy nhiên, dòng sản phẩm nào có thể thay thế được thì siêu thị ưu tiên bày bán để đảm bảo giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng. Ví dụ, sản phẩm dầu ăn A tăng giá nhưng có sản phẩm dầu ăn cùng loại không tăng, siêu thị sẽ lấy sản phẩm đó bày bán...
“Ép” DN giữ giá là rất khó
Ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (nước giải khát Bidrico), cho biết hai năm qua DN đã cố gắng không tăng giá và gia tăng khuyến mãi. Nhưng đến hiện tại nguyên vật liệu đã tăng gần 59%, cùng với giá xăng, giá điện… thì DN không thể cầm cự được nữa. Do đó vào đầu tuần tới, giá các mặt hàng của công ty sẽ được điều chỉnh tăng thêm 3%-5%.
“Vẫn biết tăng giá trong thời điểm này sẽ vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi không còn con đường nào khác” - ông Hiến nói thêm.
Cùng tâm lý trên nhưng bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food, cho biết từ tháng 12-2012 đến nay công ty đã không tăng giá bán nhưng giá đầu vào từ đầu năm 2013 cứ tăng liên tục. Cộng với sức mua mùa này thấp nên đang cố gắng cầm cự “tháng nào hay tháng đó”.
Một số DN khác cũng cho rằng nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì chắc chắn DN sẽ điều chỉnh theo.
Tương tự, bà Triệu Nhất Tâm, Giám đốc Công ty Hồng Phú, cho biết gần đây giá nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm nước mắm tăng 10%-15%, chi phí vận chuyển tăng gần gấp đôi. Nhưng để giữ thị phần cạnh tranh, DN không dám tăng giá và đang có chiến lược giữ giá đến cuối năm.
Một số chuyên gia marketing nhận định việc tăng giá trong thời gian tới là chắc chắn vì hầu hết chi phí đầu vào của DN đều đã tăng, sức mua lại đang quá thấp nên “ép” DN giữ giá là rất khó. Trong khi giá của các mặt hàng trọng điểm đều tăng mà đòi DN đừng tăng giá bán là chuyện không tưởng. Một giải pháp có thể thực hiện lúc này là vận động các nhà phân phối và nhà sản xuất giảm lợi nhuận, chiết khấu để cùng chia sẻ khó khăn, vượt qua giai đoạn này. Bên cạnh đó cũng cần sự giải quyết một phần từ chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Sẽ giảm giá một số mặt hàng bình ổn
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các DN trong chương trình bình ổn đang sản xuất cung ứng hàng hóa ra thị trường với giá ổn định. Ngày 22-7, UBND TP đã họp với Sở Công Thương, Cục Thuế TP.HCM… cùng các DN trong chương trình bình ổn, các hệ thống bán lẻ về việc điều chỉnh giảm giá một số mặt hàng gạo, đường, trứng gia cầm, thịt gia súc để kích thích tiêu dùng, gia tăng sức mua.
|