Trong 11 nhóm hàng tính CPI có 6 nhóm tăng. Tăng cao nhất là nhóm giao thông 1,3%, do tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng gần 400 đồng/lít vào cuối tháng 6-2013. Thứ hai là nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,4%. Trong đó, nhóm giá tour du lịch tăng 1,9%, chủ yếu là các tour du lịch trong nước do nhu cầu tăng trong dịp hè.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%, nguyên nhân là giá rượu mạnh và bia các loại tăng. Còn nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,11%, trong đó nhóm thực phẩm tăng nhẹ ở các mặt hàng: thịt, dầu ăn, rau các loại. Riêng các nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục lại giảm nhẹ.
Tuy nhiên, mức độ tăng giá của 7 tháng đầu năm 2013 thấp hơn so 7 tháng đầu năm 2012. Bình quân một tháng (trong 7 tháng đầu năm 2013) tăng xấp xỉ 0,12%, trong khi năm 2012 tăng xấp xỉ 0,21%.
Còn Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, chỉ số giá tháng 7 tăng 0,22% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số giá trên thị trường Hà Nội tăng sau khi giảm 3 tháng liên tiếp (tháng 3, 4, 5).
Như vậy, CPI Hà Nội tháng 7 đã có mức tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm giao thông tăng 1,15%, đây là nhóm có chỉ số giá tăng mạnh nhất tháng 7 tại Hà Nội.
Nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,66%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09% so với tháng trước.
Chỉ số giá vàng của TP Hà Nội giảm mạnh 6,62% so với tháng trước trong khi chỉ số giá đô la tăng 0,63% (nhóm hàng này không nằm trong nhóm hàng tính CPI).
Theo đánh giá, việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong hai ngày 14-6 và 28-6 vừa qua đã tác động mạnh đến chỉ số giá nhóm hàng giao thông, góp phần đẩy CPI tại hai thành phố lớn tăng cao hơn tháng 6.
Riêng đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất sẽ tác động biểu hiện vào việc tăng chỉ số CPI các tháng sau.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đợt tăng giá xăng ngày 17-7 có thể làm CPI tăng 0,1% , tuy nhiên với việc tăng cường giám sát hoạt động bình ổn giá, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, vẫn có thể đảm bảo kiểm soát lạm phát từ 6- 7% năm nay.
Hôm 22-7, Ngân hàng HSBC đã phát hành một báo cáo nhận định rằng cùng với việc giá xăng dầu tăng cao hơn đưa đến khả năng lạm phát toàn phần có thể tăng từ mức 6,7% trong tháng 6 lên tới 7,1% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên nhu cầu nội địa kém sẽ có thể đưa lạm phát xuống thấp vào cuối quí 3 năm nay.