Bối cảnh kinh tế thế giới
Tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và niềm tin dần phục hồi, kinh tế Mỹ và Nhật Bản có phần khởi sắc hơn so với khu vực đồng Euro (Eurozone). Chỉ số dẫn dắt tổng hợp (CLI) của OECD ghi nhận mức 100,6 điểm trong tháng 4/2013, được dẫn dắt bởi mức điểm cao của Mỹ (101) và Nhật Bản (101,1). CLI của Eurozone ghi nhận mức điểm 100,1 – phản ánh sản xuất công nghiệp đang ở trên mức sản lượng tiềm năng (100) ở các nền kinh tế phát triển nhất và hứa hẹn sự hồi phục đà tăng trưởng ở các nước này.
Tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng thấp hơn khiến cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2013 chỉ đạt 1,8%, thay vì 2,4% như ước tính ban đầu. Số liệu quản lý thu mua (PMI) của Viện quản lý cung ứng (ISM) cũng cho thấy tác động của việc cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang dường như nghiêm trọng hơn mức dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và có thể khiến dự định cắt giảm quy mô của chương trình nới lỏng định lượng QE3 phải lui lại tới năm 2014 thay vì cuối 2013. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ giảm về 7,6% từ mức 7,9% hồi đầu năm, tăng trưởng bán lẻ và thị trường nhà đất tiếp tục phục hồi vững chắc gợi ý triển vọng tương đối sáng sủa hơn trong nửa sau 2013. Tuy nhiên, IMF mới đây lại hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 1,7% (từ mức 1,9% đưa ra trong tháng 4/2013).
Khu vực Eurozone vẫn chưa thoát khỏi suy thoái khi GDP suy giảm quý thứ sáu liên tiếp với mức -0,2% trong quý I/2013. Tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực lên tới mức cao nhất là 12,2% trong tháng 4/2013. Lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm tạo điều kiện để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 0,5% và để mở khả năng giảm thêm nếu cần thiết. Nhiều nền kinh tế ở châu Âu đang có động thái nới lỏng biện pháp thắt chặt tài khóa khi điều này đang cản trở sự hồi phục kinh tế. IMF dự báo, với nhiều khó khăn níu kéo, Eurozone sẽ lún sâu vào suy thoái. Tăng trưởng sẽ ở mức - 0,6% trong năm 2013 nhưng có thể phục hồi nhẹ trong năm 2014.
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản được điều chỉnh tăng thêm 1% trong quý I/2013, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu đang được hỗ trợ bởi đồng Yên yếu hơn. PMI phản ánh điều kiện sản xuất tiếp tục được cải thiện trong tháng 5/2013 với tốc độ nhanh hơn, đạt 51,5 điểm – cao nhất trong vòng 21 tháng. Sau khi hạ giá đồng yên và kích thích tài khóa, Thủ tướng Shinzo Abe công bố “mũi tên cải cách thứ ba” với mục tiêu tái cấu trúc kinh tế hướng tới sức cạnh tranh cao hơn và thị trường lao động linh hoạt hơn.
Tuy tăng trưởng kinh tế quý I/2013 giảm còn 7,7% (từ mức 7,9% trong quý IV/2012), Trung Quốc vẫn kiên định thi hành chính sách tiền tệ thận trọng hướng tới mục tiêu GDP đạt 7,5%. Các động thái gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy quyết tâm cải cách của thế hệ lãnh đạo mới đã được ưu tiên đặt lên trên mục tiêu tăng trưởng, khi rủi ro về khối nợ khổng lồ của địa phương và doanh nghiệp tích luỹ sau nhiều năm đầu tư dàn trải, cộng với quy mô và rủi ro tích luỹ trong hệ thống ngân hàng mờ (shadow banking) khiến Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm nợ dài hạn của nước này xuống 1 bậc từ AA- xuống A+. Có nhiều dấu hiệu cho thấy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang gặp khó khăn nhiều hơn so với các doanh nghiệp nhà nước. IMF và OECD đều hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 7,8%.
|
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là cỗ máy dẫn dắt tăng trưởng của thế giới. IMF dự báo các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay và 7% trong năm sau. Trong đó, 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng là 5,6%. Lạm phát được dự báo sẽ giảm ở hầu hết các nền kinh tế. Điều đáng nói là dòng vốn nóng đổ vào rồi thoái lui ào ạt khỏi khu vực này sẽ tạo thêm bất ổn và cho thấy các thị trường mới nổi ở châu Á chỉ là điểm dừng chân tạm thời và phải là địa chỉ lâu bền cho dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có những chuyển biến thuận lợi, các chỉ báo kinh tế trái chiều cho thấy kinh tế Việt Nam dường như đang có những dấu hiệu hồi phục đầu tiên nhưng với tốc độ chậm và viễn cảnh còn khá mong manh.
Tăng trưởng kinh tế quý II/2013 đạt 5% so với cùng kỳ. Như vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 đã đạt 4,9%, được dẫn dắt bởi sự phục hồi nhẹ của ngành dịch vụ. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng lại có mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, báo trước sự suy giảm về năng suất trong tương lai.
Lạm phát tháng 6/2013 tăng nhẹ 0,05% so với mức giảm của tháng 5. Về tổng thể, CPI so với đầu năm tăng 2,4%, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 6,69%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhẹ khi dấu hiệu tích cực được ghi nhận ở cả 3 chỉ số sản xuất, tồn kho và tiêu thụ. Tuy nhiên, chỉ số PMI lại ghi nhận mức giảm tháng thứ 2 liên tiếp, ở cả sản lượng, đơn hàng và việc làm, cho thấy nền kinh tế vẫn đang trong khuynh hướng thu hẹp, mà nguyên nhân có thể đến từ các yếu tố nội địa. Bằng chứng là doanh số bán lẻ giảm 1,5% trong tháng 6/2013, đánh dấu sự ngắt quãng tạm thời của xu hướng tăng chậm dần từ đầu năm. Thu nhập thực tế không được cải thiện có thể là nguyên nhân chính níu giữ tốc độ tăng trưởng bán lẻ 6 tháng đầu năm, bất chấp thực tế là lạm phát tương đối thấp trong nhiều năm gần đây.
Về đầu tư, tỷ lệ tổng đầu tư xã hội trên GDP vẫn duy trì dưới 30%. Đầu tư ngoài Nhà nước tăng mạnh trong khi khu vực Nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài chỉ tăng nhẹ. Đầu tư tiếp tục giảm ở cấp trung ương nhưng tăng nhẹ ở cấp địa phương.
Thâm hụt ngân sách lớn sẽ vẫn được tài trợ chủ yếu bằng trái phiếu chính phủ trong năm nay và năm 2014, khi nguồn thu suy giảm trong khi việc thắt chặt chi tiêu chưa có hiệu quả tức thì. Lượng phát hành trái phiếu lớn hơn năm ngoái và tổng dư nợ tăng mạnh (Hình 2) từ năm 2012 cho thấy áp lực tài trợ bằng nợ cho thâm hụt ngày càng lớn và chưa có triển vọng cải thiện trong vài năm tới.
Xuất khẩu tăng chậm hơn nhập khẩu khiến cán cân thương mại thâm hụt 6 tháng đầu năm lên mức gần 1,4 tỷ USD. Xuất khẩu của khu vực kinh tế nội địa vẫn tụt lại đằng sau cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách mở rộng tiền tệ qua việc hạ lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng xuống 7%, lãi suất huy động bằng USD xuống 1,25% cho cá nhân, đồng thời điều chỉnh tỷ giá tăng 1%. Việc điều chỉnh này là một nỗ lực đồng bộ hóa các chính sách trên thị trường tiền tệ nhưng nhìn chung, động thái này có thể kích hoạt sự nghi ngờ của thị trường về khả năng tỷ giá không còn được ổn định như trong năm 2012, và có thể tạo ra những dòng dịch chuyển giữa đồng nội tệ và ngoại tệ, cũng như tương quan dòng vốn ra và vào.
Một hệ quả của việc huy động vẫn tăng đều đặn (trong khi tín dụng tăng trưởng chậm hơn) là thanh khoản tương đối dư thừa trong các ngân hàng thương mại (NHTM), đẩy các tổ chức này hướng tới thị trường trái phiếu và các thị trường tài sản khác. Sức ép dịch chuyển vốn sang các tài sản khác, như ngoại tệ, có thể sẽ bộc lộ rõ hơn khi lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp tiếp tục giảm xuống.
Lượng tín phiếu phát hành mới thấp hơn lượng đáo hạn, dư nợ tín phiếu đang giảm dần cho thấy NHNN đang thu hẹp hoạt động trung hòa. Trước khi điều chỉnh, NHNN đã bán ra 1 tỷ USD trong nỗ lực kiểm soát tỷ giá. Thị trường liên ngân hàng khá ổn định khi thanh khoản hệ thống dồi dào.
Giá vàng thế giới đang giảm là một cơ hội may mắn cho chính sách vàng của NHNN đang triển khai hiện nay. Về cơ bản giai đoạn đầu tiên của chính sách vàng là tách vàng khỏi hệ thống tín dụng, đưa vàng trở lại thị trường tài sản, đang khép lại. Việc giá vàng thế giới giảm cho phép NHNN tránh phải đối mặt với lực cầu mạnh mẽ từ trong nước. Tuy nhiên, nếu NHNN không tận dụng được cơ hội này để bước sang giai đoạn tiếp theo là hình thành một thị trường vàng có tính cạnh tranh và nhờ thế gần hơn với thị trường thế giới, thì chính sách vàng có thể tự nó tạo ra những khó khăn mới cho cả thị trường và NHNN.
Gói hỗ trợ thị trường bất động sản dưới dạng tái cấp vốn cho 5 NHTM quốc doanh được kỳ vọng tạo động lực để thị trường này đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc phân khúc thị trường, tăng thêm tính thanh khoản và lưu động. Tuy nhiên, vấn đề tối quan trọng vẫn là mặt bằng giá đã tạo lập một mức phù hợp với sức mua của những người có nhu cầu thực hay chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì hiệu quả của chính sách vẫn là một dấu hỏi lớn.
Triển vọng kinh tế Việt Nam nhìn từ giữa năm 2013
Tăng trưởng kinh tế năm 2013 được VEPR dự báo đạt mức 5,3% với lạm phát ở mức 6,6% trong trường hợp có sự cải thiện vào cuối năm. Trong kịch bản kém lạc quan hơn, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 5,04% và lạm phát gần 5%. Giá lương thực đi xuống là yếu tố kìm hãm lạm phát chung, song cần lưu ý tới lạm phát lõi nếu các chính sách kích thích kinh tế được triển khai dồn dập trong nửa sau của năm.
Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục mở rộng để kích thích nền kinh tế với nguồn tài trợ từ việc phát hành trái phiếu chính phủ (kế hoạch 170 nghìn tỷ). Lãi suất trái phiếu chính phủ ở 2 thị trường sẽ chỉ giảm nhẹ do đã gần chạm tới lạm phát kỳ vọng và lãi suất huy động của các NHTM, tuy nhiên vẫn còn khá hấp dẫn do mức độ an toàn cao hơn nhiều trái phiếu doanh nghiệp và nhiều khoản vay trên thị trường.
NHNN nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ mở rộng (nhưng không gian chính sách không còn nhiều) và các nghiệp vụ kỹ thuật sẽ phát huy tác dụng tốt hơn là công cụ lãi suất điều hành. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm có thể giảm thêm 0,5 điểm phần trăm, còn các lãi suất điều hành có thể giữ nguyên tới cuối năm, trong sự cẩn trọng duy trì cân đối trên thị trường tiền tệ. Tốc độ gia tăng tín dụng trong 2013 có thể cao hơn năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với huy động. Thanh khoản dồi dào tại các ngân hàng khoẻ mạnh kéo các tổ chức này sang thị trường trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, gia tăng dòng vốn vào thị trường chứng khoán và tích trữ USD.
Tùy vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế mà NHNN sẽ điều chỉnh lượng tín phiếu phát hành để hấp thụ lượng đáo hạn trong năm nay. Số dư nợ tín phiếu tới cuối 2013 có thể thấp hơn đáng kể so với 2012, phản ánh tốc độ bơm tín dụng vào nền kinh tế của các NHTM cải thiện hơn so với năm ngoái.
Cán cân vãng lai năm 2013 tương đối cân bằng, có thể có thặng dư thấp do nhập siêu đã trở lại đi liền với dòng kiều hối không đột biến. Cán cân tổng thể sẽ thặng dư thấp hơn năm 2012 do chênh lệch lãi suất đã giảm đáng kể. Dự trữ ngoại hối có thể giảm nhẹ do lãi suất VND trong nước hạ đang xói mòn dòng dịch chuyển tương đối ổn định từ USD sang VND đã được thiết lập trong năm 2012. Dự kiến trong năm 2013, dòng dịch chuyển này có thể đổi chiều và điều đó tạo ra những áp lực nhất định lên tỷ giá và khiến mức tăng dự trữ ngoại hối chậm dần và thậm chí có thể chuyển sang giảm. Tỷ giá danh nghĩa dự báo sẽ tăng 2-3% trong cả năm 2013.
Thị trường chứng khoán năm 2013 được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực vẫn tiếp tục tăng điểm xen kẽ với những phiên chốt lời mạnh. Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và tốc độ triển khai các gói kích thích, hoạt động của VAMC sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư hình thành kỳ vọng. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực của VAMC lên hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế được đánh giá là sẽ tương đối hạn chế.
Giá vàng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục hạ, duy trì dưới mốc 40 triệu/lượng và sẽ không còn tác động đáng kể lên nền kinh tế như vài năm gần đây. Các động thái tiếp theo của NHNN trong việc định hình thị trường thứ cấp sau khi thị trường sơ cấp đi vào khuôn khổ, sẽ quyết định sự thành bại thực sự của chính sách vàng.