Kiềm chế tăng giá bất hợp lý
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 1-2013, tại TP. HCM và Hà Nội, mặt hàng trứng gia cầm của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty Emivest liên tục tăng giá, gây bất ổn thị trường. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các DN sản xuất tăng cường lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối bình ổn thị trường... Các hệ thống phân phối trứng gia cầm của thành phố như Saigon Co.op, Satra, Vissan, Citimart… đã không nhận phân phối trứng của CP, Emivest và sẵn sàng không nhận chiết khấu, chia sẻ lợi nhuận với các nhà cung ứng trứng gia cầm khác.
“Với sự kiên định của các DN phân phối, các DN tham gia chương trình bình ổn, giá trứng cung ứng của các công ty CP, Emivest đã giảm, thị trường trứng gia cầm đã nhanh chóng ổn định trở lại”, ông Quyền nói.
Điểm nổi bật trong sự thành công của chương trình bình ổn thị trường là ở chỗ, các DN từ việc tổ chức bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại nay đã thực hiện ngày càng nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, các huyện ngoại thành, miền núi, vùng xâu vùng xa, đồng thời thiết lập nhiều điểm bán hàng cố định tại các khu công nghiệp, các chợ truyền thống khu vực nông thôn.
Mối liên kết còn lỏng
Dù đã triển khai trong nhiều năm qua nhưng chương trình bình ổn giá vẫn còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết. Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, nhiều điểm bán hàng bình ổn giá phân bố không đồng đều, còn tập trung nhiều ở các trung tâm thương mại, siêu thị, trong khi tại các địa bàn vùng nông thôn, khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp… hệ thống bán hàng bình ổn giá còn phân bố tương đối mỏng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, một số DN chưa nghiêm chỉnh thực hiện quy định về giá bán đối với nhóm hàng bình ổn giá, còn có trường hợp bán cao hơn so với giá bán được thẩm định. Thêm vào đó, các DN tham gia chương trình chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy, khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng DN nhằm hỗ trợ nhau trong đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cũng như lưu thông phân phối theo chuỗi giá trị.
Theo kinh nghiệm thực tiễn của các DN trực tiếp tham gia chương trình bình ổn giá, có một thực tế đang gây khó khăn cho các DN, đó là tâm lý của nhiều người tiêu dùng chưa thay đổi - thói quen mua sắm ngoài “chợ cóc” nên đã có sự so sánh giá với hàng bình ổn. Theo ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất và Thương mại An Việt, DN ông cung cấp thực phẩm an toàn cho các trường học, bếp ăn tập thể, bệnh viện… với giá ưu đãi. Một số DN thì hiểu chủ trương chính sách bán hàng bình ổn là chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người dân. Tuy nhiên, vẫn có không ít đơn vị không chấp nhận mặc dù chất lượng thực phẩm của DN đảm bảo, an toàn, giá ưu đãi và ổn định…
Chính sách về giá cả đang là vấn đề mà nhiều DN “đau đầu”. Bởi theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), hàng bình ổn phần lớn đều thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu, lại hay bị tác động bởi yếu tố thời vụ và thời cơ nên giá thường có đột biến hơn các hàng hóa khác. Với những thời điểm giá lên cao, DN mặc dù được điều chỉnh giá nhưng lại phải chờ văn bản của cơ quan chức năng khiến cho giá không theo sát thị trường.
“Sự chênh lệch giá quá lớn này đã khiến cho thị trường xuất hiện những yếu tố tiêu cực như đầu cơ, lợi dụng chương trình bình ổn giá để mua hàng tích trữ, bán ra ngoài nhằm hưởng mức chênh lệch”, ông Thắng nhận định.
Hỗ trợ truyền thông
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Nguyễn Hữu Thắng đề xuất, với biến động giá thị trường, cần có chương trình đầu tư dài hơi về quy hoạch, bảo quản hàng hóa, dự trữ nguồn hàng. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng... đối với những đơn vị tham gia chương trình không nhận vốn vay từ ngân sách Nhà nước, hoặc tạo điều kiện để DN được vay với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Một số DN khác thì cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chuẩn bị nguồn hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa bình ổn đưa vào thị trường, đồng thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ DN bằng cách quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên phương tiện thông tin đại chúng. Truyền thông là kênh hữu hiệu để chương trình có sức lan tỏa rộng hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn chậm được cải thiện, nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như giá sản phẩm đầu vào tăng, giá sản phẩm đầu ra thấp, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa…, việc duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường, giá cả là cần thiết. Tuy nhiên, cần tập trung theo hướng phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua tăng cường kết nối giữa các chủ thể tham gia nhằm tạo lập nguồn cung bền vững cho thị trường. Các mô hình triển khai hiệu quả chương trình của các địa phương và các DN phải tiếp tục được phát huy, nhân rộng. Công tác xã hội hóa chương trình cần được đẩy mạnh, có các chính sách khuyến khích các DN tự nguyện tham gia chương trình. Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương, Sở Công Thương địa phương cần bám sát thực tế để tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác dự trữ hàng hóa; bình ổn thị trường; tập trung phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn theo hướng tiếp tục mở rộng ra các địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất đưa hàng bình ổn vào các chợ truyền thống.