Ngày 13-5, Công an tỉnh Ðồng Nai phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra xe đầu kéo công-ten-nơ BKS 33M-4623 tại khu vực huyện Xuân Lộc đã phát hiện lái xe Nguyễn Văn Ba vận chuyển một lượng lớn sữa bột có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua kiểm tra xe, các chiến sĩ công an phát hiện gần 3 tấn sữa bột không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Số sữa này lái xe khai nhận vận chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng kinh doanh sữa không nhãn mác, sữa cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng, sữa nhập lậu diễn ra tại thị trường thành phố khá phổ biến. Ngoài việc sử dụng sữa sản xuất trong nước và nhập khẩu chính ngạch, người tiêu dùng thành phố còn tiêu thụ một lượng lớn sữa nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm như bánh kem, bánh kẹo, bột ăn dặm cho trẻ em và sữa đóng hộp nhập lậu. Tại các chợ như Tân Bình, An Ðông, Bình Tây, sữa bột đóng bao loại 5, 10, 20, 25 kg/bao muốn mua bao nhiêu cũng có.
Trong số các loại sữa nguyên liệu này, không ít mặt hàng không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thời hạn sử dụng, do nhập khẩu dưới dạng tiểu ngạch, nhập lậu. Bà Trần Tuyết Lan, kinh doanh ngành hàng đường sữa tại chợ An Ðông cho biết, sữa bột kinh doanh ở chợ do một số công ty nhập khẩu cung cấp, khách hàng mua loại sữa này thường là các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, chủ yếu sử dụng trong sản xuất các loại bánh kẹo.
Cùng với các loại sữa không nhãn mác bán sỉ ở chợ truyền thống, một lượng sữa lon nhập lậu đã được phát hiện khá nhiều tại địa bàn thành phố. Lượng sữa nhập lậu bị phát hiện nhiều nhất trong thời gian gần đây là loại sữa Ensure, do Mỹ sản xuất, nhập lậu từ Cam-pu-chia qua biên giới tây nam. Trên tuyến Tây Ninh - TP Hồ Chí Minh, nhiều lô sữa Ensure đã được chuyển lậu bằng xe ta-xi, xe đò, xe gắn máy và chứa lẫn trong xe tải chở hàng tiêu dùng.
Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) huyện Củ Chi đã phát hiện 702 chai sữa nước Ensure trên một xe khách. Khi bị kiểm tra, đối tượng buôn lậu không ra mặt nên số lượng sữa nhập lậu này thành hàng vô chủ và bị tịch thu. Trong tháng 4, Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh đã thu giữ 7.600 chai sữa Ensure có xuất xứ từ Mỹ nhập lậu vào thành phố. Số lượng sữa Ensure bị thu giữ này đều không có nhãn phụ tiếng Việt, trên bao bì ghi bằng tiếng Anh, nhiều chai đã hết hạn và cận hạn sử dụng. Ensure là nhãn hàng nổi tiếng của hãng Abbott, sản phẩm nhập khẩu chính ngạch và phân phối tại thị trường Việt Nam do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A thực hiện. Vì vậy, để tránh mua phải hàng nhập lậu và mập mờ về chất lượng do cận hoặc hết hạn sử dụng, người tiêu dùng nên mua sản phẩm Ensure có nguồn gốc, có nhãn mác và tại các đại lý có uy tín để bảo vệ sức khỏe.
Ngoài lo ngại về các loại sữa nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, hàng nhập lậu, người tiêu dùng ở thành phố cũng cần được biết thông tin về một số loại sữa được quảng cáo là giàu đạm, vi chất, dinh dưỡng của nước ngoài nhưng sản xuất tại Việt Nam và bán với giá... "khủng". Chẳng hạn, trung tuần tháng 3 vừa rồi, Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh cùng với Công an quận 9 kiểm tra Công ty TNHH quốc tế Ðại Hùng Tinh (đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9) đã phát hiện hơn 200 hộp sữa dê thành phẩm các loại hiệu GmB nhập khẩu nguyên liệu từ Hà Lan nhưng sản xuất và đóng gói tại quận 9. Cụ thể, trên bao bì nhãn ghi bằng tiếng Anh sản xuất tại Hà Lan, nhãn tiếng Việt ghi xuất xứ Hà Lan và sản xuất, đóng gói tại 967B Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9.
Công ty này không chỉ sai phạm về quảng cáo không đúng sự thật về chất lượng sữa do mình kinh doanh, gian dối trong ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa mà còn kéo dài thêm hạn sử dụng của sản phẩm. Sữa dê GmB sử dụng nguyên liệu là bột sữa dê nguyên kem nhập khẩu về từ Hà Lan, hạn sử dụng ngày 16-3-2013 và ngày 7-5-2013, tuy nhiên, sản phẩm sữa này trên thị trường đã được ghi hạn sử dụng đến năm 2014.
Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen tại TP Hồ Chí Minh, trong 12 tháng qua ( tính đến tháng 3-2013), tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành hàng tiêu dùng (trừ bia) là 11% so với cùng kỳ năm trước, tăng 15% về doanh thu. Trong đó, mức độ tăng trưởng sản lượng của sản phẩm chế biến từ sữa là 19% so với một năm trước và tăng 22% về doanh thu. Sản lượng của sữa uống liền trong 12 tháng qua tăng 24% so với năm trước, nước uống đóng chai tăng 17%, nước uống thể thao tăng 127%, và thực phẩm/thức uống bổ dưỡng tăng 46%.
Theo Nielsen, 90% số người tiêu dùng Việt Nam nhận thức các thực phẩm lành mạnh là sữa, lớn nhất đối với các loại thực phẩm khác. Như vậy, sự tin tưởng "sữa là thực phẩm lành mạnh" chiếm số đông. Ðiều quan tâm hiện nay của người tiêu dùng là các cấp, các ngành chức năng cần kiểm tra, quản lý chặt chất lượng sữa, khi mà rất nhiều loại sữa không nhãn mác, hết hạn sử dụng, sữa nhập lậu đang được bày bán trên thị trường.
Trong bốn tháng đầu năm 2013, lực lượng QLTT cả nước đã tịch thu 49.781 chai, hộp, lon sữa kinh doanh trái phép. Số lượng sữa thu giữ là hàng nhập lậu, hàng quá hạn sử dụng, hàng gian lận về hàm lượng dinh dưỡng để gian lận thuế, nguồn gốc, xuất xứ mập mờ lừa người tiêu dùng.