Luật TTNCN ban hành năm 2007, sau 4 năm thi hành (đến 2011), bên cạnh những mặt tích cực cũng bộc lộ những bất cập. Để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, tháng 12/2012, Quốc hội đã quyết định sửa đổi 6/35 điều của Luật TTNCN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Tại hội thảo khoa học Hướng tới thực thi hiệu quả Luật TTNCN, do tạp chí Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ở Hà Nội ngày 16/5/2013, một số chuyên gia tài chính cho rằng, những nội dung sửa đổi về TTNCN đã được thực hiện dựa trên cơ sở kiên trì mục tiêu dài hạn, có tính đến thực tiễn hiện nay và những năm tới, thể hiện tinh thần “khoan thư” sức dân…
Theo đó, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9/triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc người nộp thuế nuôi dưỡng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Với sửa đổi này, một cá nhân có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, phải nuôi dưỡng 01 người phụ thuộc, theo Luật TTNCN 2007 họ phải nộp 220.000 đồng/tháng thì nay sẽ không phải nộp nữa; còn mức thu nhập là 15 triệu đồng/tháng, trước đây phải nộp 690.000 đồng/tháng tiền thuế, thì nay cũng chỉ phải nộp có 120.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: “Sau khi Luật TTNCN sửa đổi có hiệu lực, sẽ có khoảng hơn 2 triệu người đang nộp thuế theo Luật TTNCN 2007 ở bậc 1, bậc 2 sẽ không phải nộp thuế; những người nộp thuế ở bậc 3, bậc 4 cũng được giảm số thuế đáng kể”.
Bên cạnh việc giảm nghĩa vụ nộp thuế, Luật TTNCN sửa đổi cũng quy định cụ thể các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp được loại trừ không phải tính TTNCN, bao gồm: Trợ cấp theo qui định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành nghề hoặc công việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo qui định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi; trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí 1 lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo qui định của Luật Lao động; trợ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công theo qui định của Chính phủ.
Luật sửa đổi còn khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành Quỹ Hưu trí tự nguyện thông qua 2 cơ chế: Cho phép thu nhập cá nhân từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện theo mức do Chính phủ qui định; miễn thuế đối với khoản tiền lương hưu mà cá nhân sẽ nhận được từ Quỹ Hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng.
Luật TTNCN sửa đổi cũng qui định rõ hơn về thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng bất động sản; theo đó, thu nhập của cá nhân về chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức đều phải tính thuế./.