Theo đó, từ ngày 13-5 tới, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 9%/năm xuống 8%/năm.
Đồng thời, NHNN cũng quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, khi lãi suất cao chúng ta cũng quan tâm tới việc doanh nghiệp vay cao, nhưng khi lãi suất thấp sẽ quan tâm tới việc lợi ích của người gửi tiền có được đảm bảo hay không. Cả 2 mối quan tâm này đều được Chính phủ, NHNN đều coi trọng như nhau, sau khi cân nhắc yếu tố vĩ mô, kỳ vọng lạm phát một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm xuống khoảng 7%/năm tùy theo kỳ hạn ngắn thì thấp hơn. Chúng ta nên coi trọng những kỳ hạn có tính chất vừa phải, tương đối ổn định, giúp cho nguồn vốn bền vững cũng vào khoảng 7%. "Chúng tôi cho rằng, ngân hàng luôn là chỗ trú chân an toàn nhất cho các khoản tiền gửi và chúng tôi đảm bảo cho mức lãi suất tiền gửi đó cao hơn mức lạm phát, đảm bảo cho người gửi tiền có chênh lệch nhất định. Nhưng đồng thời cũng tạo ra nguồn vốn với giá hợp lý để cho vay doanh nghiệp với lãi suất hợp lý” – Phó Thống đốc khẳng định.