"Lựa chọn khôn ngoan”
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay chỉ có khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tiến hành giảm lãi suất, trong khi đó, các ngân hàng cổ phần tư nhân chưa có biểu hiện gì. Đây là những ngân hàng có tính thanh khoản tốt. Ý đồ của khối ngân hàng thương mại cổ phần rất rõ: loại kỳ hạn tiền gửi 1 tháng ra, khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài. Từ đây, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Đây là việc thời gian qua các ngân hàng chưa từng làm được.
"Khai hỏa” cho làn sóng giảm lãi suất huy động là TMCP Ngoại thương (VietcomBank). Ngân hàng này đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về 6% năm. Sau đó một số ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã phát đi tín hiệu điều chỉnh đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Cụ thể các mức lãi suất huy động tiền đồng có kỳ hạn dưới 12 tháng của VietinBank cao nhất chỉ là 7 %/năm. BIDV đã thông báo biểu lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6%/năm; 2 tháng là 6,5%/năm; từ 3 đến 11 tháng là 7%/năm và trên 12 tháng chỉ còn 8%/năm. Đặc biệt gây sốc với thị trường là đại gia ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hạ lãi suất huy động về 5%. Đây là mức lãi suất dưới cả mức trần quy định của NHNN hiện đang quy định là 7,5%/năm.
|
Tỷ trọng vốn huy động trên thị trường và vốn giải ngân đang chênh nhau khá lớn. Trong khi vốn huy động tăng 3,54% thì vốn cho vay chỉ tăng 1,44% vốn bị ứ đọng trong kho ngân hàng. Điều này có thể thấy rằng, các ngân hàng đang muốn hướng dòng tiền nhàn rỗi của người dân vào các kỳ hạn gửi dài, tăng tính thanh khoản. Và trên thị trường, trong 2 ngày trở lại đây, nhiều người dân đến đáo hạn sổ tiết kiệm chuyển sang kỳ hạn dài.
Trong khi đó, sau kỳ đại hội cổ đông của các NHTM diễn ra trong tháng cao điểm vừa qua, các ngân hàng nhận thấy khó khăn đang đeo bám, mục tiêu lợi nhuận giảm. Do vậy, nhiều ngân hàng nhận thấy, phải cắt giảm tối đa chi phí vốn. Trong đó "nén” lãi suất huy động đầu vào xuống thấp là con đường ngắn nhất, nhanh nhất trong khi đường ra của vốn đang tắc nghẽn.
Lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: "Ngân hàng không thiếu vốn. Nhưng xin đừng nhìn vào bảng biểu lãi suất. Chỉ có kỳ hạn 1 -3 tháng mới có sự sụt giảm lãi suất. Còn kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất vẫn phổ biến ở mức 7- 7,5%”. Các ngân hàng đang dần bước vào cuộc cạnh tranh giá và điều quan trọng nhất là không vi phạm lách luật, vượt trần”.
Hầu hết các ngân hàng lớn và vừa đều thừa tiền nhưng không thể cho vay được vì doanh nghiệp và cá nhân đều không có nhu vay vốn do thu hẹp đầu tư, thu hẹp tiêu dùng. Động thái cắt giảm lãi suất được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là bước đi khôn ngoan để kích tăng trưởng tín dụng thay vì hành động bắt chẹt gây khó cho người dân.
Mũi tên trúng 2 đích
Tạm gác câu chuyện đặt ra khi lãi suất hạ nhiệt bất thường dưới cả mức sàn, câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra trong bối cảnh hiện nay, khi ngân hàng hạ lãi suất đầu vào, tiến tới giảm lãi suất đầu ra, mục tiêu kích tăng trưởng tín dụng có được như ý hay không?
TS Lê Thẩm Dương bình luận: Chưa chắc. Vì khả năng xử lý nợ xấu của mỗi ngân hàng khác nhau, trong khi chuẩn tín dụng càng lúc càng căng, doanh nghiệp dù lãi suất về 0% cũng không muốn vay. Niềm tin kinh doanh đang sụt giảm, người dân thắt chặt tiêu dùng.
Do vậy, hạ lãi suất huy động cũng phải đồng bộ hóa nhiều góc cạnh khác: đánh tan cục máu đông nợ xấu, khôi phục niềm tin xã hội, tồn kho bất động sản.
Do thế chủ động đang làm lợi cho các ngân hàng, nên họ vẫn có thể "xử ép” với người có tiền gửi và gây khó cho doanh nghiệp bởi mức lãi suất cho vay trong thực tế vẫn chưa thực sự có nhiều chuyển biến.
Minh chứng là ngay tại Ngân hàng Techcombank vừa triển khai gói dịch vụ cho vay cá nhân dùng trong mua bất động sản, vay xây sửa nhà, vay mua ô tô, vay hộ kinh doanh thì mức lãi suất 10,99%/năm cũng chỉ là áp dụng trong 3 tháng đầu tiên.
"Nếu có vay được thì doanh nghiệp cũng không biết được những tháng sau lãi suất có còn rẻ như vậy không”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị băn khoăn.
Mặc dù các ngân hàng tuyên bố đã giảm lãi suất cho vay phổ biến về 11% nhưng ít doanh nghiệp nào tiếp cận được mức này. Thậm chí sau khi cộng các chi phí, lãi vay vượt 13%/năm.
Hiện tại chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn ở mức cao, khoảng 4-5%, trong khi ai cũng hiểu mức chênh lệch hợp lý chỉ vào khoảng 3-3,5%.