Theo loại hình kinh tế sự chuyển dịch có sự khác nhau. TMBL khu vực kinh tế nhà nước đã giảm tương đối sâu: tính theo giá giảm tới 9,2%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân, thì còn giảm sâu hơn (giảm khoảng 15%). Cũng do đó mà tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong TMBL 4 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (10% so với 12,4%)- thấp nhất tính từ năm 2009 đến nay và gần bằng mức thấp nhất của năm 2008 (9,8%).
Tốc độ tăng TMBL 4 tháng đầu năm
 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Tất nhiên, trong kinh tế thị trường, với sự ra đời và phát triển của các thành phần kinh tế, tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước trong TMBL đã giảm xuống (năm 1985 chiếm 40,7%, năm 1990 còn 26,9%, năm 1995 còn 22,6%, năm 2000 còn 17,8%, năm 2005 còn 12,9%, năm 2010 còn 10,5%, năm 2012 còn 12,3%).
Kinh tế tập thể tuy tăng cao hơn tốc độ chung (12,9%), nhưng tỷ trọng trong TMBL hiện ở mức rất thấp (1,2%).
Kinh tế cá thể có quy mô rộng lớn, với trên 8.550 chợ (chủ yếu là hạng 3 với 7.382 chợ, còn hạng 2 có 936 chợ, hạng 1 có 232 chợ), và hàng trăm nghìn cửa hàng trải khắp ở các xã, phường, thị trấn, với hàng triệuc ơ sở cá thể và nhiều triệu hộ kinh doanh đã chiếm 50,4% TMBL và 4 tháng năm nay tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, do tập quán mua bán và đối tượng tiêu dùng rộng lớn, trong điều kiện tiêu dùng của dân cư bị co lại, khu vực này vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý về khu vực này. Số lượng chợ/1 xã, phường, thị trấn còn thấp (76,9%), tức là còn rất nhiều xã ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có chợ. Cơ sở vật chất kỹ thuật và việc quản lý ở nhiều chợ còn yếu kém. Việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, việc cân đo đong đếm, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... chưa tốt. Chênh lệch giá giữa người sản xuất bán và người tiêu dùng cuối cùng còn lớn; tốc độ tăng giữa giá bán của người sản xuất và tốc độ tăng giá tiêu dùng còn lớn (quý I năm nay so với quý I năm trước, giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm-thuỷ sản giảm 5,48%, trong đó hàng nông nghiệp còn giảm nhiều hơn; giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp chỉ tăng 3,58%, nhưng giá tiêu dùng tăng 6,91%, làm cho người sản xuất, nhất là nông dân bị thiệt thòi.
Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 35,1% TMBL, khi tiêu dùng của dân cư co lại, nên tốc độ tăng của khu vực này chỉ 10%.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (3,3%), nhưng có tốc độ tăng cao nhất trong các loại hình (35,2%). Xu hướng khu vực này sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi công cuộc mở cửa hội nhập theo cam kết sẽ ngày một sâu rộng hơn, trong khi doanh nghiệp khu vực này có nhiều lợi thế về vốn liếng, về quy mô, về cơ sở hạ tầng, về kinh nghiệm quảng cáo tiếp thị, về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo ngành hoạt động, ngành thương nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất tăng 10,6%; khách sạn nhà hàng chiếm tỷ trọng cao thứ 2 (12,1%) tăng cao nhất (16,3%); dịch vụ chiếm tỷ trọng cao thứ 3 (10,1%) và tăng 16,1%; du lịch chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,9%) và tăng rất thấp (7,1%). Trong điều kiện tiêu dùng của dân cư tăng chậm thì việc tập trung cho hàng hoá vật chất (thương nghiệp) và các ngành dịch vụ còn thấp, là điều bình thường.
Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng qua đạt trên 2,4 triệu lượt người, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước; giảm ở tất cả các mục đích đến.