Căn bệnh tắc nghẽn tín dụng đang đe dọa sẽ phát tác nguy hại hơn trên một “cơ thể” nền kinh tế yếu, khi kết thúc quý I/2013, GDP chỉ tăng 4,89%, kèm theo đó là một loạt chỉ tiêu quan trọng khác đang phát đi những tín hiệu đáng quan ngại. Tăng trưởng của các khu vực xương sống đóng góp vào GDP như công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp… đều thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ 3 năm liên tiếp gần đây. Dư nợ tín dụng gần như vẫn đóng băng khi chỉ tăng 0,03%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước. Đáng báo động là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI giảm do cả cầu đầu tư lẫn tiêu dùng của nền kinh tế đều rất yếu.
Ở góc độ vi mô, số DN giải thể, ngừng hoạt động trong quý I vừa qua tăng tới 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số DN thành lập mới giảm 6,8%. Trên TTCK, chưa bao giờ số DN niêm yết bị các Sở GDCK đặt vào diện cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết dày đặc như những tháng đầu năm nay.
Hệ quả nhãn tiền của tình trạng trên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, là DN không tìm ra hướng đầu tư và kinh doanh. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng mất đà và hình thành trạng thái “ngủ quên” trong hoạt động kinh tế. Khi đã rơi vào tình trạng này, thì ngay cả khi có điều kiện thuận lợi, DN, cũng như nền kinh tế phải cần khá nhiều thời gian để lấy lại đà phát triển.
Thực tiễn bức bách trên đang đòi hỏi căn bệnh tắc nghẽn tín dụng cần được gấp rút chữa trị theo phác đồ cấp cứu, chứ không thể kéo dài quá trình thăm khám, hội chẩn như hiện tại. Tình trạng này còn kéo dài, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, cũng như lãnh đạo DN, sẽ khiến nền kinh tế càng rơi vào suy kiệt. Khi đó muốn cứu cũng không dễ và sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí lẫn thời gian.
Bởi vậy, thông tin được thị trường và DN đang chờ đợi nhất lúc này là tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều nay (26/4), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có chính thức công bố Chính phủ đã chốt phương án thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC) trong tháng 5 tới hay không, khi dự thảo Nghị định về thành lập AMC đã được Chính phủ thảo luận từ kỳ họp tháng trước và tiếp tục được thảo luận để đi đến kết luận tại kỳ họp tháng 4 này?
Sẽ hình thành bước ngoặt trong xử lý nợ xấu, một khi người phát ngôn của Chính phủ chính thức xác nhận chi tiết thông tin về phương án thành lập AMC trong cuộc họp báo chiều nay. Tuy không phải là “đũa thần”, nhưng một khi hình thành AMC, sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với DN. Qua đó, “cục máu đông” sẽ dần được đánh tan, để lấy lại đà hồi sinh cho DN, cũng như nền kinh tế.