Trong 3 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại TP. HCM tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ, do đó nhu cầu tìm kiếm mặt bằng vẫn khá cao, đặc biệt là từ các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ăn uống và siêu thị đang có nhu cầu mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng. Phần lớn tại các địa điểm có vị trí thuận tiện như tại các ngã tư, trên các tuyến đường chính của khu vực trung tâm thành phố đều được các nhà bán lẻ “nhòm ngó”.
Nhu cầu tìm kiếm mặt bằng tăng cao cũng là yếu tố đẩy giá thuê trung bình của các dự án bán lẻ trong quý I tăng khoảng 2% so với quý trước. Tuy nhiên, so với giá thuê trung bình của toàn thị trường thì lại giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được lý giải bởi hiện nay có rất nhiều trung tâm bán lẻ mới ra đời, việc cạnh tranh khách hàng cho thuê là rất lớn do đó, một số chủ dự án đã giảm giá thuê cho một số khách thuê hiện tại muốn tái ký hợp đồng thuê nhằm duy trì khách thuê tại dự án.
Theo thống kê của Công ty TNHH Knight Frank Việt Nam, tổng diện tích bán lẻ tại TP. HCM đạt gần 822.000m2, nguồn cung bán lẻ hiện nay đã tăng khoảng 5% so với quý trước và tăng 19% so với cùng kỳ. Trong tương lai dự kiến sẽ có khoảng 1,4 triệu m2 diện tích bán lẻ sẽ tham gia vào thị trường.
Knight Frank nhận định: mặc dù nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nhưng thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế, điều này cho thấy nhiều nhà bán lẻ vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường này.
Cuối năm 2012, theo xếp hạng của CBRE, thị trường bán lẻ của Việt Nam đứng thứ 3 ở hạng mục thị trường mới.
Tuy chưa thể thay thế được thói quen đi chợ truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên việc mua sắm tại các trung tâm thương mại hiện đại có xu hướng ngày càng tăng. Nắm bắt được nhu cầu này, ngày càng có nhiều nhà bán lẻ cao cấp tham gia vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam khiến mô hình bán lẻ mang phong cách quốc tế liên tục được mở rộng.
Hơn nữa, với gần 90 triệu dân, đây cũng là yếu tố hấp dẫn cho nhiều nhà bán lẻ quốc tế tiềm năng. Trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ lớn tham gia vào thị trường như Tesco (Anh), Wal-mart (Mỹ) và FairPrice (Singapore).... Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường bán lẻ hiện đại như các quốc gia châu Á khác. Dự kiến trước năm 2015, TP. HCM sẽ có thêm khoảng trên 200.000 m2 mặt bằng bán lẻ hiện đại.
Trong khi TP.HCM “sở hữu” nhưng con số và tương lai triển vọng về thị trường bán lẻ, thì tại Hà Nội lại chưa có khởi sắc nhiều cho thị trường này, mà trái lại, đang có phần ảm đạm. Vào mùa mua sắm giáp Tết, nhưng tại các trung tâm thương mại như Vincom hay Nguyễn Kim, Pico Mall vẫn vắng vẻ, khách vào xem và đi dạo nhiều hơn mua sắm, cho đến thời điểm này, thực trạng trên cũng chưa cải thiện. Chưa kể chuyện lùm xùm tại Grand Plaza vừa qua về hợp đồng, tiền đặt cọc… giữa trung tâm này với những người có gian hàng tại đây, cho thấy, dường như Hà Nội chưa bắt nhịp với những chuyển động mới đang nhen nhóm khởi động, hứa hẹn một thị trường bán lẻ đa dạng, phong phú và nhộn nhịp tại thị trường Việt Nam.