Âm nhưng không thể vui
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 3/2013 giảm nhẹ ở mức 0,19% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cuối năm 2012, CPI tăng 2,39% và tăng 6,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Cơ quan Thống kê cũng cho biết, căn nguyên của chỉ số âm chính là do giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh, mức giảm lần lượt là 0,59% và 0,95%. Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, nhóm bưu chính viễn thông, đồ uống-thuốc lá và giao thông cũng giảm đáng kể.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, có thể mừng “một chút” khi chỉ số CPI tháng 3 đang ở mức âm. Điều này thể hiện nỗ lực khống chế tín hiệu lạm phát của Chính phủ phần nào có kết quả.
Tuy nhiên, đáng lo hơn ở chỗ, đây không phải là dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế. Chỉ số giá giảm chủ yếu theo xu hướng từ sau Tết, hàng hóa lương thực thực phẩm, các dịch vụ khác không có sự tăng giá đáng kể.
Rõ ràng, sức mua vẫn giảm, lưu chuyển hàng hóa tăng/giảm không rõ nét, trong khi số hàng tồn kho vẫn cao.
“CPI giảm không phải do năng suất chất lượng của hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là do cung-cầu vẫn chưa cân đối”, ông Long nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động bị thiếu việc làm hoặc phải chuyển sang những việc làm phụ khiến thu nhập bị giảm sút nên nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm hơn so với trước, trong khi giá cả hàng tiêu dùng hiện ở mặt bằng giá khá cao.

"Tính ra từ nay đến hết năm, tối thiểu mỗi tháng CPI không được tăng quá 0,4%, đây là điều cực kỳ khó"
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chỉ số giá trong tháng 3 này chưa phải là mức âm lớn. Đóng góp đáng kể vào con số này chính là việc cơ quan quản lý không cho phép tăng giá xăng trong tháng 2 vừa qua.
Nguy cơ tiềm ẩn lạm phát vẫn luôn thường trực khi còn một số địa phương chưa nâng giá dịch vụ y tế; Theo dự báo, thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc phát điện, có thể phải dùng nguồn đắt tiền nên giá điện không thể không tăng.
“CPI tháng 3 chỉ là mức giảm nhất thời, tương lai nếu không kiểm soát tốt thì chưa thể nói trước điều gì”, ông Doanh cho hay.
Mỗi tháng CPI tăng không quá 0,4%?
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ nay đến cuối năm còn 9 tháng để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đã đề ra (mức 6-8%). Tuy nhiên, khả năng kiềm chế vẫn là thách thức đối với cả nền kinh tế. Bởi ba tháng đầu năm, lạm phát đang ở mức 2,39%.
“Tối thiểu mỗi tháng CPI chỉ được tăng không quá 0,4%. Đây là điều cực kỳ khó”, ông Long nói.
Trong khi đó, hàng loạt những tồn tại vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm: tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa đi vào thực chất; tháo gỡ khó khăn cho đại đa số doanh nghiệp chưa có kết quả khả quan; lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng vẫn hiện hữu; khả năng đề kháng nền kinh tế vẫn yếu…
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh quan ngại sắp tới khả năng cung tín dụng lại được mở rộng khi trong tháng hai tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng việc đầu tư vẫn không tốt, chưa đem lại kết quả.
“Lãi suất, lạm phát có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Hiện lạm phát giảm đang làm cơ sở cho lãi suất giảm theo. Nhưng khả năng doanh nghiệp có hấp thụ được hay không đó là điều đáng bàn. Nếu không cẩn thận, lại thành vòng luẩn quẩn và cuối cùng vẫn là nợ xấu”, ông Doanh bày tỏ./.