Theo dữ liệu của Reuters, tuần qua (2-4/5), Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 300 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO) thông qua nghiệp vụ repo, đưa khối lượng vốn lưu hành đạt 1,25 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, ở nghiệp vụ bán hẳn, Ngân hàng Nhà nước đã bán 9.000 tỷ đồng tín phiếu với mức lãi suất sụt giảm còn 5,8%, 8,8% và 10,24%/năm, lần lượt tương ứng với các kỳ hạn 28 ngày, 91 ngày và 182 ngày.
Như vậy, lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hút ròng về thông qua phát hành tín phiếu đã lên gần 80.000 tỷ đồng, tính từ ngày 15/3/2012 đến nay.
Điều này một mặt cho thấy thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại đang rất tốt, tuy nhiên mặt khác lại là một tín hiệu không đáng vui khi tăng trưởng tín dụng đang có vấn đề.
Trên thị trường liên ngân hàng, tuần qua, lãi suất qua đêm xuống 3-4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 6-7%/năm.
Tâm điểm trong tuần qua là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN ngày 4/5/2012 Quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên sẽ bằng lãi suất huy động cộng 3%/năm. Hiện trần lãi suất huy động đang ở mức 12%/năm, do đó có thể hiểu trần lãi suất cho vay sẽ là 15%/năm, áp dụng từ ngày 8/5 đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và công nghiệp hỗ trợ.
Điểm đáng chú ý là, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 4/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, việc quy định trần lãi suất huy động hay trần lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đều là biện pháp hành chính, nên có thể sẽ có phát sinh hiện tượng “lách” lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định về trần lãi suất cho vay, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.