Sẽ nhập 1,23 triệu tấn giấy
Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng giấy của cả nước năm 2012 ước khoảng 2,9 triệu tấn giấy các loại, trong đó nhập khẩu khoảng 1,23 triệu tấn. So với năm 2011, lượng giấy nhập khẩu tăng hơn 230.000 tấn.
Hiện giá giấy in, giấy viết sản xuất trong nước ở mức giá tương đương với giấy nhập khẩu, trung bình 21 triệu đồng/tấn, còn giá giấy in báo nhập khẩu đang cao. Giấy in báo sản xuất trong nước khoảng 200.000 đồng/tấn, giữ mức 16,2 triệu đồng/tấn.
FDI vào Việt Nam: 4 tháng chỉ bằng 65,5% so cùng kỳ 2011
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài của cả nước từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2012 đạt 4267,1 triệu USD, bằng 68,5% cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký của 169 dự án được cấp phép mới đạt 3099 triệu USD, bằng 44,1% số dự án và bằng 72,6% số vốn cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 73 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 1168,1 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 3,6 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt được số vốn lớn nhất với 2374,3 triệu USD, bao gồm 1623,4 triệu USD của 82 dự án cấp phép mới và 750,9 triệu USD vốn tăng thêm…
Thu thuế xuất nhập khẩu giảm 5,1%
Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho biết, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tính đến ngày 30.4 ước đạt 63.500 tỷ đồng, đạt 28,4% dự toán, giảm 5,1% so với cùng kỳ 2011.
Trong đó, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đạt khoảng 19.022 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 35.425 tỷ đồng, thu khác: 53 tỷ đồng... Theo đánh giá của TCHQ, việc giảm thu thuế XNK là do nguồn thu thuế giá trị gia tăng từ dầu thô mỏ Bạch Hổ đưa vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giảm, chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng/tháng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số thu 4 tháng đầu năm 2012 thấp hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, thuế suất cao cũng giảm về số lượng so với cùng kỳ như dầu thô giảm 14,7%, than đá: 5,5%, xăng dầu: 34%, ô tô nguyên chiếc: 57,6%, linh kiện ô tô: 16,8%, xe máy nguyên chiếc: 50%... Như vậy, tổng kim ngạch XNK đến hết tháng 4.2012 ước đạt 66,987 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2011. Riêng tháng 4.2012, kim ngạch XNK ước đạt 17,6 tỷ USD, giảm 5% so với tháng 3 và tăng 6,5% so với cùng kỳ 2011.
Quy định thủ tục tạm nhập tái xuất xăng dầu sang Lào
Bộ Tài chính vừa quy định thủ tục hải quan đối với xăng, dầu có nguồn gốc mua từ nước ngoài tạm nhập khẩu để sử dụng hoán đổi đối với xăng, dầu mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất tái xuất sang Lào. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Xăng dầu. Thông tư quy định rõ, thương nhân có trách nhiệm thanh khoản lượng xăng, dầu có nguồn gốc mua từ nước ngoài đã tạm nhập để sử dụng hoán đổi với xăng dầu mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất tái xuất sang Lào. Việc thanh khoản thực hiện theo từng tờ khai hải quan tạm nhập.
Xuất khẩu nông sản đạt 4,6 tỉ USD
Theo Bộ NN&PTNT, bốn tháng đầu năm nay xuất khẩu mặt hàng nông sản đạt gần 8 tỉ USD, trong đó các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỉ USD, thủy sản gần 1,9 tỉ USD và lâm sản 1,5 tỉ USD. Nhiều mặt hàng sụt giảm cả về số lượng lẫn giá bán như: gạo, cà phê, cao su...
Ngược lại, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thủy sản tháng 4 ước đạt 1,3 tỉ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này lên 5 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Dệt may đối mặt với thiếu nguyên liệu
Hiệp hội Dệt may VN cho biết ngành này đang tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Cụ thể về bông tự nhiên hiện VN cần khoảng 400.000 tấn/năm nhưng nguồn trong nước chỉ đáp ứng được 3.000 tấn (tương đương 0,75%).
Tương tự với xơ nhân tạo, nhu cầu khoảng 400.000 tấn/năm nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 120.000 tấn (tương đương 30%).
Riêng khu vực dệt bao gồm kéo sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất (gọi là chuỗi liên kết dọc) là nút thắt lớn nhất của cả chuỗi. Cả nước hiện có 4,5 triệu cọc sợi với năng suất toàn ngành đạt 680.000 tấn, trong đó dành cho xuất khẩu 60%, số còn lại đưa vào ngành dệt và tạo ra khoảng 1,2 tỉ mét vải mộc. Tuy nhiên, năng lực nhuộm và hoàn tất chỉ đạt 800 triệu mét/năm.
Tồn 125.000 tấn muối
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đang còn tồn khoảng 125.288 tấn muối trong diêm dân và doanh nghiệp.
Trong đó, miền Bắc còn tồn gần 7.500 tấn; miền Trung 15.532 tấn; đồng bằng sông Cửu Long 102.260 tấn.
Tính đến cuối tháng 4 này, sản lượng muối cả nước ước đạt 300.181 tấn, gồm: Muối sản xuất thủ công đạt 209.961 tấn; muối sản xuất công nghiệp đạt 90.220 tấn với diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 13.815ha. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, nên trong 4 tháng đầu năm, lượng muối sản xuất ra không nhiều, muối nhập khẩu ít và giá muối giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn giữ ở mức hợp lý có lợi cho diêm dân.
Canada - thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Canada đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của thủy sản Việt Nam và cũng là địa chỉ thân thuộc của sản phẩm mực, bạch tuộc Việt Nam.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Canada mới đạt 913.000 USD nhưng 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Canada đã đạt hơn 440.000 USD, tăng đột biến tới trên 600% so với cùng kỳ năm trước. Canada được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam còn phải cạnh tranh gắt với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Peru... Để chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này, ngành thủy sản khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý gây thiện cảm ngay từ lần đầu với các đối tác, rõ ràng về giá cả và điều kiện thanh toán, mẫu hàng chất lượng, nhãn sản phẩm... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt rõ nhu cầu của thị trường; đặc biệt, cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.