Tiêu được giá, nông dân tăng diện tích trồng
Giá tiêu xô tại thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu cuối tuần qua đang giao dịch ở mức 128.000 – 130.000 đồng/kg, các thị trường nội địa thấp hơn 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Giá tiêu đen tại Đồng Nai ở mức 135.000 đ/kg.
Sau ba vụ thu hoạch, giá tiêu liên tục tăng cao từ 35.000 đồng/kg (năm 2010) lên xấp xỉ 130.000 đ/kg như hiện nay. Bất chấp việc tiêu đang chết loạt ở nhiều nơi, hàng ngàn nông dân trong tỉnh đổ xô trồng mới hồ tiêu với diên tích ước tính lên đến hàng trăm ha. Thậm chí có rất nhiều hộ dân phá vườn cà phê đang cho thu hoạch chuyển sang trồng tiêu.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện diện tích cây tiêu bị sâu bệnh ở Đồng Nai khoảng hơn 1 ngàn hécta và khả năng trong thời gian tới sẽ còn gia tăng.
Đa số cây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, rệp sáp, tuyến trùng. Huyện có diện tích cây tiêu bị bệnh nhiều là Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và Tân Phú. Tiêu bị bệnh phần lớn đang trong thời kỳ cho trái.
Cà phê
Giá cà phê nhân xô hôm nay tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giảm 100 đồng so với ngày hôm trước, giao động quanh mức 39.400 – 39.500 đ/kg.
Giá cà phê xuất khẩu, FOB (HCM) có giá 1.995 USD/tấn với mức trừ lùi là 30.
Theo Volcafe, chi nhánh của công ty thương mại ED&F Man Holdings Ltd, giá cà phê tại Indonesia, đất nước trồng cà phê lớn thứ 3 thế giới tiếp tục tăng cao do thiếu nguồn cung.
Theo đó, các hợp đồng cà phê giao vào tháng tư và năm tại Indonesia cao hơn so với giá niêm yết trên NYSE Liffe exchange khoảng 100 USD/tấn. Trong khi đó, thời điểm này năm trước, giá cà phê thị trường này thấp hơn rất nhiều so với giá trên thị trường thế giới.
“Các nhà xuất khẩu hiện chưa muốn xuất hàng trong thời gian tới do thiếu nguồn cung và giá nội địa quá cao”, Volcafe cho biết. Hiện tại, giá cà phê trong nước đang dao động ở quanh ngưỡng 19.000 – 20.500 rupiah, tương đương với 2,08 – 2,2 USD/kg. Những cơn mưa đã gây khó khăn cho việc thu hoạch và phơi khô cà phê.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đất nước trồng cà phê lớn nhất thế giới, thời tiết thuận lợi giúp cà phê phát triển tốt. Hiện giá cà phê đang dao động khoảng 40.000 đồng, tương đương với 1,92 USD/kg
Theo đó, hiện hợp đồng tương lai cà phê hạt giao vào tháng tư và năm tại đây đang cao hơn giá niêm yết trên NYSE Liffe 10 USD/tấn.
Cao su
Thị trường biên mậu tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Kinh tiếp tục đóng cửa. Giá cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) được chào quanh mức 23.600 đến 23.800 NDT/tấn, giảm 100 NDT so với ngày trước đó.
Giá cao su SVR CV được chào bán với mức giá 84.023 đồng/kg, giảm 384 đồng so với giá ngày 19/3.
Nông sản thực phẩm
Giá khoai mì tại Đồng Nai tăng. Cụ thể, khoai mì tươi tăng 100 đ lên 1.200 đ/kg, khoai mì lát tăng 400 đ lên 4.000 đ/kg. Tuy nhiên, giá ngô lại giảm, ngô đỏ giảm 200 đ còn 6.200 đ/kg.
Giá lúa IR 5040 khô, loại tốt đang có giá 5.600 – 5.700 đ/kg, lúa hạt dài xuất khẩu giá 5.800 – 5.900 đ/kg, gạo lứt 5% tấm đã tăng 300 đồng/kg so với tuần trước.
Thị trường điện lạnh: ít kỳ vọng trong mùa nóng
Trong mùa nóng năm nay, các nhà sản xuất lẫn các nhà bán lẻ sản phẩm điện lạnh tỏ ra rất e dè chuẩn bị nguồn hàng do tình hình kinh tế khó khăn.
Trưởng phòng logistics công ty nhập khẩu của một thương hiệu Nhật Bản cho hay, lượng hàng dành cho mùa nóng năm nay như máy lạnh, tủ lạnh nhập về chỉ bằng năm ngoái, và bằng năm ngoái tức là đã giảm khá nhiều so với năm 2010, năm mà mặt hàng mùa nóng “cháy”. Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến công ty này hạn chế nhập hàng là do thị trường vẫn còn tồn một lượng lớn hàng từ mùa năm trước. Cũng vì không kỳ vọng vào thị trường năm nay nên hãng sẽ không có sản phẩm mới. Đơn giản là vì phần thu vào khi thị trường yếu không đủ bù cho phần kinh phí lớn đã đầu tư để có một sản phẩm mới với nhiều khâu như nghiên cứu, quảng bá, giới thiệu.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ cho hay, đã có những điều chỉnh về hàng hóa để phù hợp với tình hình thị trường. Thời điểm hiện tại, sức mua ở mặt hàng máy lạnh bắt đầu tăng dần khi thời tiết nắng nóng. Tuy vậy, đã có sự thay đổi trong việc lựa chọn các sản phẩm cao cấp và phổ thông. Nếu như các năm về trước, tỷ trọng các mặt hàng hi-end (hàng cao cấp, thiết kế mới, sử dụng công nghệ mới) chiếm 60% và mặt hàng phổ thông chiếm 40% thì nay đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Các dòng sản phẩm phổ thông tăng mạnh hơn so với dòng trung và cao cấp. Ngoài ra, khách hàng mua máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt chủ yếu là mua sản phẩm mới. Lượng những khách hàng mua cái thứ 2, thứ 3 hoặc đổi sản phẩm đã giảm.
Về giá các mặt hàng, Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim xác nhận đã tăng hơn so với năm ngoái. Cụ thể, các sản phẩm máy lạnh tăng khoảng 15-20%, một số dòng tủ lạnh tăng dưới 10%. Nguyên nhân là do nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do trận lũ lụt ở Thái Lan, nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử của Nhật Bản, hồi tháng 10 năm ngoái.
Hà Nội: Thịt lợn giảm giá, mức tiêu thụ chậm
Thông tin về thịt lợn tại khu vực phía nam nhiễm chất tạo nạc bị cấm đã khiến người tiêu dùng ở Hà Nội lo lắng, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường.
Tại các chợ trên địa bàn thành phố, trong những ngày gần đây, lượng thịt lợn tiêu thụ giảm rõ rệt.
Mức tiêu thụ chậm cũng khiến giá thịt lợn giảm mạnh, từ 10% đến 15% so với trước. Cụ thể, giá thịt nạc vai giảm từ 120 nghìn đồng/kg xuống còn 100 nghìn đến 110 nghìn đồng/kg; xương sườn giảm từ 120 nghìn đồng/kg xuống còn 90 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg; thịt thăn giảm từ 130 nghìn đồng/kg xuống 110 nghìn đồng/kg. Giá lợn hơi bán tại trang trại còn 50 nghìn đến 52 nghìn đồng/kg. Lợn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân ở mức 43 nghìn đến 45 nghìn đồng/kg.
Nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang lựa chọn các thực phẩm khác như: thịt bò, thịt gia cầm, cá, tôm... để thay thế thịt lợn. Mức tiêu thụ các mặt hàng này tăng hơn so với thời điểm cách đây hai tuần.
Đà Lạt: rau, củ giảm giá
Từ cuối tháng 2.2012 đến nay, nhiều loại rau, củ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đua nhau rớt giá một cách thảm hại khiến nhiều nhà vườn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Mặt hàng nông sản rớt giá thê thảm nhất hiện nay ở Lâm Đồng là hành tây. Trong các ngày từ 15 – 18.3, giá hành tây tại Đà Lạt chỉ còn từ 1.200 – 1.400 đồng/kg; trong khi giá cùng thời điểm này năm ngoái là 10.000 đồng.
Cũng giống như hành tây, một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh khác của Lâm Đồng là khoai tây cũng rớt giá thảm hại. Từ cuối tháng 2 đến nay, giá khoai tây còn 4.500-5.000 đồng/kg.
Theo cơ quan chức năng TP.Đà Lạt, hiện tượng tư thương “làm áo” (phủ lớp đất đỏ bên ngoài) để biến khoai tây Trung Quốc giá trị thấp thành khoai tây Đà Lạt giá trị cao xảy ra đã từ nhiều năm nhưng năm nay diễn ra với quy mô “hoành tráng” nhất. Người tiêu dùng nghi ngờ và không mua nên đặc sản khoai tây Đà Lạt cũng rớt giá thành “hàng bèo” như khoai tây Trung Quốc.
Không chỉ có hành tây và khoai tây mà trong gần một tháng qua, nhiều loại rau, củ vốn được xem là “hàng độc” của Đà Lạt như bắp cải, su hào… cũng rớt giá thảm hại.
Giá cá tra nguyên liệu giảm
Theo nguồn tin từ Báo Công Thương, do lo sợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phá sản nên nông dân bán cá tra nguyên liệu ồ ạt. Điều này đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh từ mức 27.500 – 28.000 đ/kg xuống còn 24.000 – 25.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá tra tồn đọng trong dân hiện nay chỉ vào khoảng 200 ngàn tấn, chỉ chiếm 17% so với 1,2 triệu tấn trong kế hoạch sản xuất năm 2012 nên chuyện bán cá không được là không thể xảy ra.
Trong khi đó, lượng cá tra nguyên liệu trong thời gian tới được đánh giá thiếu hụt do nguồn cá giống không đáp ứng nhu cầu thả nuôi. Hơn nữa, tình hình tiêu thụ cá vẫn khả quan trong thời gian tới bởi xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng khá với giá trị xuất khẩu. Dự kiến, trong quý I, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 450 triệu USD, tăng khoảng 15% so với 380 triệu USD của năm ngoái.