5 doanh nghiệp đăng ký giảm giá gas
Ngày 14-3, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết tính đến nay đã nhận được hồ sơ đăng ký giảm giá của năm doanh nghiệp.
Theo đó, mức giá đăng ký mới đối với bình gas 12kg dao động từ 416.000-474.000 đồng, giảm tương ứng từ 16.000-19.224 đồng. Mức giảm này tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩu gas đã được giảm từ 5% xuống còn 0%.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu sở tài chính các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá mặt hàng gas. Nếu các doanh nghiệp kinh doanh gas không giảm giá tương ứng với mức giảm thuế nhập khẩu thì sở tài chính phải xử lý.
Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2012 và Tết quý Tỵ 2013
UBND Tp.HCM vừa thống nhất kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2012 và Têt Quý Tỵ 2013. Dự kiến trong năm 2012, TP sẽ đưa 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 53 hoạt chất, 70 mặt hàng vào diện bình ổn giá. Số lượng thuốc bình ổn giá chiếm khoảng 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân sử dụng trong năm với giá bán thấp hơn thị trường 10%.
Ngân hàng ưu tiên ngoại tệ nhập khẩu phân bón
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có văn bản số 1392 yêu cầu các ngân hàng VietinBank, BIDV, VietcomBank và Agribank ưu tiên đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, đặc biệt là nhập khẩu phân Kali do trong nước chưa sản xuất được.
Yêu cầu này được đưa ra nhằm đảm bảo phân bón cho vụ đông - xuân 2011-2012 và cả năm 2012. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh, các ngân hàng cần báo cáo NHNN để có hướng xem xét, xử lý.
Thống đốc NHNN cũng có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại để được đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, đồng thời tổng hợp tình hình nhập khẩu kinh doanh phân bón của các doanh nghiệp và thông báo cho NHNN để phối hợp xử lý.
Doanh nghiệp chủ động khai gia hạn nộp thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp quý I/2011 (chậm nhất vào 30-7-2012), quý 2-2011 (chậm nhất đến ngày 30/10/2012) của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với số thuế TNDN phải nộp của quý I và quý II/2011 được gia hạn, doanh nghiệp thuộc diện này lập và gửi tờ khai thuế TNDN tạm tính quý I và quý II/2011 để thay thế cho các tờ khai đã nộp. Doanh nghiệp ghi bổ sung các chỉ tiêu sau vào trước dòng cam đoan trong tờ khai thuế TNDN tạm tính: số thuế được tiếp tục gia hạn; thời gian đề nghị gia hạn.
Thu phí quỹ bảo trì đường bộ từ 1/6
Ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 18/2012/NĐ-CP về quỹ bảo trì đường bộ.
Theo quyết định, quỹ bảo trì đường bộ hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận. Quỹ thành lập ở cấp Trung ương là Quỹ trung ương, thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.
Nguồn hình thành quỹ là phí sử dụng đường bộ, ngân sách Nhà nước và các nguồn thu liên quan. Trong đó, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông bao gồm: ô tô, máy kéo, mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh, xe gắn máy.
Phí thu được từ ô tô sẽ được phân bổ cho quỹ trung ương 65% và quỹ địa phương 35%. Còn quỹ thu được từ xe máy của địa phương nào thì nộp vào địa phương đó.
Quỹ ở trung ương sẽ được dùng cho việc duy tu bảo trì đường quốc lộ, quỹ địa phương sẽ được dùng cho việc duy tu, bảo trì đường bộ địa phương.
Quyết định có hiệu lực từ 1/6/2012.
Thí điểm quản lý nuôi tôm bằng mã số
Năm 2011 Chi cục Thủy sản Tiền Giang thực hiện thí điểm quản lý vùng nuôi bằng mã số trên địa bàn xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông. Theo đánh giá ban đầu, 100% hộ nuôi tôm đều có lãi, đặc biệt tỷ lệ dịch bệnh trên tôm vào loại thấp nhất (chỉ 4,5% diện tích) so với các địa phương khác trong tỉnh (bình quân 13,8%).
Trên cơ sở đó, năm 2012 chi cục tiếp tục mở rộng triển khai mô hình thí điểm nuôi tôm bằng mã số trên địa bàn 5 xã Phú Thạnh, Tân Phú, Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông), Kiểng Phước, Phước Trung (huyện Gò Công Đông). Theo đó, chi cục ký thoả thuận hợp tác với các cộng tác viên giám sát vùng nuôi tôm. Mỗi hộ nuôi được gắn một mã số theo quy định của Tổng cục Thủy sản để tạo điều kiện dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nếu thành công, việc nhân rộng mô hình quản lý này có thể giúp sản phẩm tôm Việt Nam dễ thâm nhập hơn vào các thị trường khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm như Mỹ, EU, Nhật.
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản 1144/TCHQ-GSQL yêu cầu hải quan các tỉnh, TP tăng cường quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất (TNTX). Theo đó, nếu hàng TNTX qua đường biển, thủy nội địa, hàng không, đường sắt thì khi hàng đưa vào khu vực giám sát hải quna, công chức hải quan phải ký tên, đóng dấu; hoặc khi làm TTHQĐT, ngoài việc xác nhận trên hệ thống, hải quan phải xác nhận thêm trên tờ khai điện tử…