Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước họp báo chính thức công bố giảm ba loại lãi suất chủ chốt và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%. Tại đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: việc giảm lãi suất không phải nới lỏng tiền tệ và không tác động xấu đến lạm phát.
Theo Thống đốc, từ ngày 13/3, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm.
Đồng thời, giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa tiền gửi từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm. Đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở, lãi suất tiền gửi từ 1 tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm.
Do đón trước chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2012, một số ngân hàng đã đẩy tín dụng tăng ảo cuối năm 2011.
Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tại buổi họp báo vừa kết thúc cách đây ít phút. Điều này giải thích cho sự khác biệt khá lớn về dữ liệu tăng trưởng tín dụng đầu năm nay.
Cụ thể, theo tổng hợp báo cáo từ các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 8/3/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đã giảm tới 2,25% so với cuối năm 2011. Nhưng theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước thì mức giảm lại chỉ là 1,27%.
Sự khác biệt lớn đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, là vì một số ngân hàng thương mại đã tăng tín dụng ảo để lấy khối lượng dư nợ, đón đầu chính sách giao chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012, khi không còn cào bằng chỉ tiêu như trong năm 2011 nữa.
Việc giá xăng tăng thêm 10% vào chiều 7/3 đã gây áp lực lớn khiến nhiều loại hàng hóa tăng theo. Những ngày này, ảnh hưởng đầu tiên của giá xăng có thể thấy qua giá lương thực, thực phẩm và vận tải.
Bị ảnh hưởng trực tiếp của đợt tăng giá xăng lần này là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Theo khảo sát chiều 11/3 ở Hà Nội, tại các chợ đầu mối như chợ Hà Đông, chợ Ngã Tư Sở, chợ Trương Định, chợ Mơ, chợ Phùng Khoang, siêu thị Big C, siêu thị Thành Đô… giá nhiều mặt hàng đã thay đổi do chi phí vận chuyển của nhiều loại hàng hóa tăng theo giá xăng.
Tại TP.HCM, giá một số mặt hàng thực phẩm bán ở các chợ, cửa hàng bắt đầu nhích lên, dù chỉ vài trăm hay vài ngàn đồng. Song, tại chợ đầu mối, hàng hóa về khá dồi dào, giá chưa tăng.
Sáng 11/3, tại chợ Rạch Ông, quận 8, sườn non heo loại ngon được bán với giá 125.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với năm ngày trước. Người bán lý giải: giá xăng tăng, cộng thêm trời nắng nóng nên chi phí vận chuyển và thịt hư hỏng nhiều hơn. Người bán rau, củ, quả chợ Thái Bình, Hoàng Hoa Thám thì tăng giá khéo léo hơn. Chẳng hạn cà chua vẫn giữ ở mức 12.000 đồng/kg, nhưng quả to, ngon bán giá 14.000 đồng/kg, loại xấu hơn bán giá 12.000 đồng/kg.
Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày 13/3/2012
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 13/03/2012 như sau: 1 đôla Mỹ = 20.828,00 Việt Nam Đồng (Hai mươi nghìn tám trăm hai mươi tám Việt Nam Đồng), theo số văn bản 73/TB-NHNN, ban hành ngày 12/3/2012.
Theo Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia do Bộ Công Thương ban hành, sản phẩm tham gia Chương trình được bình chọn mang biểu trưng Thương hiệu quốc gia phải đáp ứng được 8 tiêu chí. Đặc biệt, sản phẩm cũng phải có chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và trong kim ngạch xuất khẩu.