Lý giải về việc điều chỉnh tăng cao trong đợt này, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thoả cho biết: Nếu cứ chiếu theo tinh thần Nghị đinh 84 là cứ dưới 7% biến động giá cơ sở thì doanh nghiệp được điều chỉnh thì việc tăng giá là bình thường. Đầu năm 2010 khi Nghị định này có hiệu lực chúng ta đã thực hiện đúng tinh thần thì dư luận xã hội cho rằng nhà nước tăng giá dồn dập, tăng liên tục tăng nhiều quá. Làm đúng luật nhưng lại tác động đến tâm lý người tiêu dùng đến cả sản xuất kinh doanh cho nên buộc chúng ta phải lùi lại.
Đáng ra nếu chúng ta thực hiện tốt được nội dung của Nghị định 84 thì nay không phải chứng kiến câu chuyện “nín quá lâu rồi bùng ra” như hiện nay. Nhưng vừa rồi Nhà nước lùi thuế nhập khẩu về 0%, đồng thời, sử dụng quỹ bình ổn giá dù quỹ này đã không còn, DN đang phải “đẽo” vào vốn…chính là động thái để kiềm chế tác động của giá thế giới, qua đó, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, đồng thời giảm bớt khó khăn cho đời sống cũng như với doanh nghiệp.
Với việc tăng 2.100 đồng đưa giá xăng bán lẻ ở mức kỷ lục 22.900 đồng/lít, và xu hướng luôn điều chỉnh tăng sẽ phải tác động cho sản xuất và đời sống, nhưng với mức tăng của xăng gần 10%, tính bình quân cả xăng dầu tăng gần 7,3% như vậy ảnh hưởng vào chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 ở mức độ 0,85% trong đó tác động vòng 1 (tác động trực tiếp khoảng 0,24%) tác động vòng 2 (gián tiếp tức là các ngành sử dụng xăng dầu là 0,61%).
Tác động này chủ yếu nhằm vào sản xuất, vì vậy, với cam kết ngăn chặn hiện tượng “té nước theo mưa”, ông Thỏa khẳng định: Bộ Tài chính cũng sẽ có các giải pháp kiểm tra kiểm soát không cho việc lợi dụng điều chỉnh giá mà tăng giá các dịch vụ, ví dụ trong ngành vận tải trong chi phí giá cước thì có 40% là chi phí xăng dầu, nếu bình quân xăng dầu tăng 7,3% thì trong 40% thì chỉ đựơc phép tăng 3% giá cước, nhưng nếu lợi dụng tăng tận 7% thì phải xử lý để tránh gây tác động lan toả không đúng.
Điều đáng lo ngại, giá gas, giá xăng đã tăng, tới đây sẽ là giá than, giá điện cũng đang “rình rập” để tăng. Trấn an dư luận, vị đại diện Cục quản lý giá cho biết thêm: Về diễn biến giá cả, một mặt chúng ta thực hiện giá thị trường nhưng các mức độ điều chỉnh phải phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Chứ nếu như giá điện tính số tiền 23.000 tỷ “treo” của năm trước mà chia cho đủ thì giá điện không như bây giờ mà nó sẽ tăng đột biến rất cao vì vậy chúng ta chưa thể làm thế được, hay giá than bán cho điện bằng 90% giá than xuất khẩu thì phải điều chỉnh tăng gần 4 lần.
Vì vậy, nếu tính đủ theo qui định thì giá tăng rất cao cho nên hiện mức giá của các ngành này đang còn ở mức cho phép chính là chúng ta đang còn thực hiện mục tiêu kiềm chế, không để giá tăng một cách tự do đó chính là vai trò của nhà nước để giảm thiểu bất lợi cho người dân.