"Mạnh tay xử lý ngân hàng yếu kém". Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (NH) thương mại giai đoạn 2011 - 2015 với trọng tâm là xử lý dứt điểm các NH hoạt động yếu kém.
Trước mắt, Chính phủ định hướng bảo đảm khả năng chi trả của các NH yếu kém qua việc tập trung hỗ trợ thiếu hụt nguồn vốn ra vào (thanh khoản). Theo đó, NH Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho NH yếu kém trên cơ sở NH đó thế chấp cho NH Nhà nước các hồ sơ vay vốn có chất lượng tốt. Tuy nhiên, NH yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt của NH Nhà nước về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. NH thương mại Nhà nước và các NH thương mại cổ phần sẽ mua lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt của NH thiếu thanh khoản để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.
Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, NH yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thực hiện, NH Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc theo hướng NH Nhà nước mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của NH yếu kém để củng cố hoạt động rồi tiến hành sáp nhập, hợp nhất với NH khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, Chính phủ sẽ xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại, sáp nhập NH yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần tại các NH yếu kém được cơ cấu lại (hiện giới hạn tối đa là 30% vốn điều lệ)...
Theo NH Nhà nước, hiện có khoảng 10 NH thương mại hoạt động yếu kém, chủ yếu do sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn dẫn đến những khó khăn về thanh khoản. Chính phủ dự kiến trong năm 2012 sẽ kiểm soát được tình hình hoạt động các NH yếu kém và đến năm 2013, các NH yếu kém được xử lý cơ bản…
"Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn ". Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần cuối của tháng 2-2012, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt 180.396 tỷ đồng, bình quân 36.079 tỷ đồng/ngày; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 79.130 tỷ đồng, bình quân 15.826 tỷ đồng/ngày.
Các giao dịch liên ngân hàng tập trung chủ yếu vào kỳ hạn ngắn như qua đêm và 1 tuần; trong đó, doanh số bằng VND đạt 126.647 tỷ đồng, tương đương 70% doanh số; giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 34.502 tỷ đồng. Lãi suất giao dịch bình quân liên ngân hàng bằng VND kỳ hạn qua đêm và 3 tháng tăng 0,54-1,07%/năm, kỳ hạn 9 tháng không biến động, còn lại giảm 0,07-0,82%/năm. Đối với giao dịch bằng USD, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tháng, 3 tháng, trên 12 tháng tăng nhẹ 0,23-0,55%/năm, các kỳ hạn khác giảm 0,05-0,45%/năm.
Lãi suất huy động VND ít biến động, phổ biến sát 6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 14%/năm ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Lãi suất huy động USD 2%/năm với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm với tiền gửi của tổ chức kinh tế. Lãi suất cho vay VND ổn định, với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu 14,5-16%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm; phi sản xuất 21-25%/năm. Lãi suất cho vay USD
6-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm với trung và dài hạn.
"Phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng thực phẩm". Xây dựng chiến lược tạo nguồn hàng dưới nhiều hình thức như đầu tư, ứng vốn, liên doanh, liên kết… nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, đảm bảo đủ hàng hóa đáp ứng cung cầu thị trường đã và đang được các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM triển khai thực hiện. Đây cũng là nền tảng để TPHCM triển khai thành công chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ nhiều năm qua.
Liên kết trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là thực phẩm, là con đường tốt nhất đưa sản xuất và tiêu thụ đi vào ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của DN, của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây cũng là chiến lược được Công ty Vissan áp dụng một cách triệt để.
Việc gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và phân phối đã mang lại 4 cái lợi rất lớn. Đó là DN chủ động được nguồn nguyên liệu không ăn đong từng bữa; chủ động được giá bán, không phải đuổi theo giá thị trường, dễ mất khách hàng; giảm thiểu được những tác động từ nền kinh tế, giảm các chi phí trong sản xuất và điều quan trọng hơn cả là kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.
"Công trình lưới điện chậm tiến độ: Hà Nội sẽ thiếu điện ". Theo Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ), giai đoạn năm 2006-2010 có xét đến năm 2015 đã được Bộ Công thương phê duyệt, trong giai đoạn năm 2006-2010 khối lượng các công trình lưới điện 220kV-110kV cần được đầu tư xây dựng rất lớn.
Tuy nhiên, khối lượng thực tế đạt được thấp hơn nhiều so với dự kiến, nhất là lưới điện 220kV đã không đóng điện được một công trình nào (trừ TBA 220kV Vân Trì đã xây dựng xong, nhưng đường dây đấu nối lại chưa xây dựng).
"Xuất khẩu thủy sản: Không để “con sâu bỏ rầu nồi canh” ". Hai tháng đầu năm, mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng nhưng việc tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ, EU… sụt giảm, hàng hóa mất dần sức cạnh tranh đang gây lo ngại cho các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012 phải giải quyết hàng loạt vấn đề không đơn giản.
Thị trường có nhiều bất ổn
Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo năm 2012 có khoảng 20% doanh nghiệp (DN) thủy sản trong nước có nguy cơ phải đóng cửa. Trong hai tháng vừa qua xuất khẩu, ngành thủy sản gặp khó khăn do thường xuyên thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu phù hợp cho chế biến xuất khẩu nên các nhà máy chỉ hoạt động 40-60% công suất. Dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp, mặc dù bước vào vụ nuôi tôm mới nhưng đã có nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long tôm nuôi chết từ 30% đến 70% khiến cho nguồn nguyên liệu thiếu. Hơn nữa giá thu mua nguyên liệu tăng cao như giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức 27.000-28.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu tăng không phải vì thị trường đã sôi động trở lại, mà do thiếu nguồn cung, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, khiến cho thị trường có nhiều bất ổn. Nhiều DN không có tiềm lực về vốn không thể trụ vững trước những biến động của thị trường.
"DN vẫn vay lãi suất cao". Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay về mức 15% - 17%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó vay hoặc phải vay lãi suất cao
Từ đầu tháng 3-2012, Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỉ đồng giảm 3%/năm lãi suất cho vay so với các khoản vay thông thường dành cho doanh nghiệp (DN) vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và DN xuất khẩu… NH này còn giảm 2%/năm lãi suất cho vay so với biểu lãi suất đang áp dụng trong thời gian 6 tháng. Trước đó, 3 NH TMCP Đại Á, Tiên Phong và NH Quốc tế Việt Nam (VIB) lần lượt công bố giảm lãi suất với nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các DN dao động từ 15% - 18%/năm...
"Làm thế nào để ổn định thị trường gas? Bài 1: Khi thị trường hỗn loạn…". Ngày 2-3-2012 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2012/TT-BTC quyết định giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống 0%. Ngay sau khi có quyết định này, các doanh nghiệp gas cũng đã đồng loạt giảm giá bán gas 16.000 đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là động thái giải quyết tức thời, trước mắt chỉ mới giúp thị trường gas không lên cơn sốt quá cao mà thôi. Vấn đề lâu dài vẫn phải tìm giải pháp căn cơ để ổn định thị trường gas, giúp thị trường này phát triển một cách bền vững và lành mạnh.
Sự bỏ ngỏ quản lý, giám sát đối với hệ thống phân phối gas là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường.