- "Người dân đang quay lưng với vàng?". Giá vàng những ngày giữa tuần ghi nhận đà giảm mạnh, trong khi những thời điểm bật tăng không đáng kể. Lượng mua trên thị trường cho thấy rất ảm đạm, tại con phố kinh doanh vàng trên đường Trần Nhân Tông tại Hà Nội ghi nhận những ngày vắng ngắt. Việc lượng cầu sụt giảm được giải thích do nhiều nguyên nhân, song có ý kiến cho rằng không phải người dân “quay lưng” với thị trường vàng.
Thị trường từng chứng kiến có thời điểm lượng người mua chiếm tới 90% lúc giá vàng tăng vọt lên 48 triệu đồng/lượng - 49 triệu đồng/lượng, nhưng hiện nay cán cân đã thay đổi, Lượng bán ra của các điểm kinh doanh vàng chiếm số lượng lớn hơn cả, thậm chí gấp đôi mua vào.
Theo thống kê của công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu trong ngày 28/2, 70% người bán và chỉ có 30% người mua, còn công ty SBJ ghi nhận khách mua vào 200 lượng – 300 lượng, còn khách hàng bán tới 500 lượng – 600 lượng. Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu rằng người dân đang “quay lưng” với thị trường vàng?.
- "Vẫn khó tiếp cận vốn rẻ". Hàng loạt ngân hàng (NH) đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay từ đầu tháng 2 đến nay. Thế nhưng, khảo sát thực tế cho thấy bên cạnh một số ít doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn rẻ, nhiều DN khác lại bị NH tăng lãi suất cho vay.
Các NH thừa nhận có hiện tượng phân biệt đối xử với khách vay, một số DN được vay với lãi suất thấp hơn và ngược lại là do NH thực hiện chính sách sàng lọc khách hàng...
Vốn rẻ kèm điều kiện
Ông Vũ Đình Phương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quạt VN (Asia), cho biết lãi suất vay vốn trung bình của DN đang ở mức 19%/năm, giảm 2%/năm so với trước đây. Theo ông Phương, mức giảm này “có một chút xíu, chẳng đáng kể gì”. DN cũng không thể kinh doanh có hiệu quả với mức lãi suất như thế. Với gần 1.000 công nhân, sản xuất khoảng 1 triệu sản phẩm quạt điện/năm, ông Vũ Đình Phương cho biết hiện công ty không dám nghĩ đến chuyện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất mà chỉ cố quản lý tốt nhất việc sản xuất kinh doanh hiện tại.
Về các gói vay hỗ trợ, ưu đãi mà một số NH vừa công bố thời gian qua, ông Phương có tìm hiểu nhưng thực tế không dễ tiếp cận được vì quá nhiều điều kiện ràng buộc. “Điều này không có gì sai, nhưng nếu DN đáp ứng được thì họ đâu có đi vay làm gì” - ông Phương nói.
- "Vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 1,3 triệu đồng/lượng". Sau khi lên sát 1.800 USD/ounce, đêm 29-2 giá vàng thế giới đã giảm rất mạnh, cuối ngày 1-3 giá vàng thế giới ở mức 1.720 USD/ounce, giảm hơn 70 USD/ounce, tương đương 1,8 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng trong nước chỉ giảm 520.000 đồng/lượng, còn 44,75 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo giá USD niêm yết tại NH, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 1,35 triệu đồng/lượng. Trước đó, chênh lệch này đã được thu hẹp còn 400.000 đồng/lượng.
Các công ty vàng trong nước cho biết giao dịch rất trầm lắng vì giá vàng tuy có giảm nhưng vẫn còn quá cao, do đó chưa kích thích được sức mua.
- "Giá dầu tiếp tục “nổi sóng”". Sàn giao dịch hàng hóa New York đã được một phen "nổi sóng" trong phiên giao dịch chiều qua (giờ New York) khi một bản tin trên kênh truyền hình Nhà nước Iran Press TV đưa tin “đã có một vụ nổ xảy ra đối với hệ thống ống dẫn dầu tại thành phố Awwamiya của Ả rập xê út”. Ngay lập tức giá dầu nhảy vọt 5%, lên mức 110,55 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 4/5/2011.
Dù sau đó người phát ngôn của Bộ nội vụ Ả rập xê út khẳng định thông tin trên là không có thật, giá dầu thô giao tháng 4 trên sàn NYMEX vẫn chốt phiên ở mức 108,84 USD/thùng, tăng 1,77 USD. Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao tháng 4 cũng tăng 3,54 USD, tương đương 2,9%, lên mức 126,2 USD/thùng cao nhất 10 tháng qua.
“Giá dầu tăng mạnh do tin đồn từ Ả rập xê út cho thấy thị trường thực sự lo sợ trước bất kỳ vấn đề gì xảy ra với nguồn cung”, nhà phân tích Gene McGillian của công ty Tradition Energy ở Stamford, Connecticut khẳng định. Thực tế là trước khi có tin đồn về Ả rập xê út, giá dầu đã tăng do có tin Israel sắp thử hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, khiến tình hình căng thẳng tại Trung Đông leo thang.
- "Mệt mỏi với giá gas tăng sốc". Mất nửa triệu đồng để mua một bình gas (loại 12kg), giá gas tăng sốc khiến người tiêu dùng chới với. Các chuyên gia trong ngành gas cho biết giữa thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này rất cần sự điều phối của Nhà nước.Một lần nữa người tiêu dùng choáng váng khi một loạt công ty gas công bố giá gas bán lẻ trong tháng 3 tăng 52.000 đồng/ bình 12kg. Theo các công ty này, nguyên nhân giá gas tăng do giá nhập khẩu bất ngờ tăng vọt, thêm 180 USD/tấn so với tháng trước (ở mức 1.205 USD/tấn).
Đại diện các công ty gas cho biết bản thân họ cũng bất ngờ với mức tăng này. “Từ đầu năm đến giữa tháng 2, giá gas thế giới thậm chí có xu hướng giảm (30-40 USD/tấn), một số doanh nghiệp (DN) gas đã chủ động điều chỉnh giảm giá khoảng 10.000 đồng/bình cho người tiêu dùng. Nhưng với giá gas thế giới tăng chóng mặt như hiện nay, DN buộc phải tăng theo dù nguy cơ không bán được hàng là khó tránh khỏi” - đại diện Công ty gas Saigon Petro cho hay.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, đại diện một số công ty từng áp dụng giảm giá bán lẻ trong tháng 2 ở mức 10.000-12.000 đồng/bình như Petrolimex gas, Saigon Petro, PV gas... cho biết đã ngưng áp dụng chính sách này. Theo đó, mức tăng giá gas bán lẻ thực chất trong tháng 3 lên đến 62.000 đồng/bình.
- "Hậu kiểm việc tăng giá gas". Cục Quản lý Giá sẽ rà soát các yếu tố chi phí đầu vào trong đó có giá thế giới … có phù hợp hay không. Trường hợp không phù hợp sẽ bị xử lý buộc doanh nghiệp phải bán đúng giá quy định.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đến cuối giờ chiều 1/3, Cục Quản lý giá mới nhận được 1 đăng ký giá mới của doanh nghiệp mặc dù ghi nhận giá gas đã tăng trên thị trường.
Quy định hiện hành không bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký trước khi tăng giá mà có thể thực hiện thực hiện song song. Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp có quyền tự định giá, dựa trên việc cân đối các yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, do gas là mặt hàng nhạy cảm nên phải thực hiện đăng ký và chịu sự điều tiết cũng như giám sát của cơ quan chức năng để đảm bảo bình ổn thị trường, phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Từ 1/3, các doanh nghiệp phân phối và đại lý gas đã tiến hành tăng giá bán lẻ khoảng 50.000 đồng bình 12 kg. Tính từ đầu năm, đây là lần tăng cao nhất của giá gas. Theo đại diện một số hãng phân phối lý giải, việc tăng giá nêu trên là do giá gas thế giới tăng cao.
- "Đề nghị mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ". Năm 2012, sản lượng lúa cả nước dự kiến đạt khoảng 42,5 triệu tấn, cao hơn năm 2011 khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa năm nay khoảng 29 triệu tấn lúa, dư ra khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương khoảng 7,3 triệu tấn gạo hàng hóa.
Nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hết lượng lúa, gạo vụ đông xuân, tránh tình trạng lúa tồn đọng, tư thương ép giá, gây thiệt hại cho nông dân, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam cân đối lượng gạo xuất khẩu, chỉ đạo các công ty thu mua lúa kịp thời cho nông dân. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí đủ vốn để thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo với lãi suất thấp nhất, với thời gian thu mua từ ngày 15-3 đến ngày 30-4, thời gian tạm trữ là 3 tháng.
* Hai tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu gạo giảm. Tính từ ngày đầu tháng 1 đến cuối tháng 2, Việt Nam đã xuất hơn 430.000 tấn gạo, thu về hơn 226 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu giảm tới 47% và giảm trên 44,2% về giá trị (với giá bình quân gần 526 USD/tấn). Đặc biệt, tháng 3 tới là thời điểm thu hoạch rộ lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lượng lúa gạo hàng hóa sẽ rất lớn. Hiện, giá lúa khô loại thường tại kho khu vực ĐBSCL dao động từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, lượng gạo phẩm cấp thấp IR 50404 đang còn dư thừa rất nhiều, khó tiêu thụ do nhiều địa phương đã gieo cấy giống lúa này vượt quá 50% diện tích. Với đà này, dự báo giá lúa gạo nội địa trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.