Các số liệu khảo sát cho thấy, 88% người tiêu dùng (NTD) ngày nay quan tâm nhiều hơn về sức khỏe của bản thân và gia đình, 90% NTD thích mua các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, 95% NTD lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, 90% NTD sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng cao, 55% cho rằng sản phẩm giá cao là sản phẩm chất lượng tốt hơn, 50% NTD sẵn sàng thử sản phẩm mới.
Một kết quả điều tra khác cho thấy, số lượng sản phẩm mới tung ra thị trường (của ngành hàng tiêu dùng nhanh) trong năm 2010 lên đến hơn 5.000 sản phẩm. Đó là những dòng sản phẩm chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng khác nhau.
Như vậy, để phát triển thì doanh nghiệp phải có mục tiêu đúng đế có kế hoạch chi tiêu đúng. Nghiên cứu thị trường (NCTT) là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp xác định chính xác mục tiêu của mình. Mình đang ở vị trí nào trên thị trường, trong ngành hàng, trong lòng khách hàng? Khó khăn kinh tế không tệ bằng bị khách hàng quay lưng. NCTT cũng giúp doanh nghiệp xác định cả yếu tố định lượng và định tính, từ đó định vị sản phẩm tốt hơn và đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu của người tiêu dùng trên tinh thần “đáp ứng nhu cầu để tạo ra lợi nhuận” (Meeting needs profitably” - Philip Kotler).
Từ chỗ xác định được mục tiêu, doanh nghiệp cần tính đến cách sử dụng các nguồn lực hợp lý. Những tiêu chí mà doanh nghiệp cần đánh giá và điều chỉnh bao gồm: rà soát hiệu quả hoạt động chi tiêu, đánh giá lại tốc độ và hướng tăng trưởng của ngành hàng, đánh giá sự ủng hộ của hệ thống phân phối đối, hiệu quả đầu tư truyền thông.
Sau khi đánh giá lại những yếu tố kể trên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để lựa chọn hướng đi cho mình bằng các hoạt động như: tập trung đẩy mạnh các thị trường/ kênh bán hàng tiềm năng, mở rộng ngành hàng vào các phân khúc mới, nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí truyền thông, củng cố và phát triển hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng phục vụ.
Yếu tố “bên trong” để định vị sản phẩm, đó là dựa trên năng lực tài chính, khả năng quản lý, lợi thế cạnh tranh và vòng đời sản phẩm. Nếu một sản phẩm có vòng đời “trẻ”, sản phẩm đó chỉ cần đáp ứng nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng. Ngược lại, một sản phẩm có vòng đời “già” thì nhu cầu thị trường của sản phẩm đó sẽ bị phân hóa thành nhiều mức độ khác nhau, đồng thời xuất hiện đối thủ cạnh tranh.
Mặt khác, tùy vào phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp xác định các mối quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm. Ví dụ, khách hàng ở phân khúc phổ thông quan tâm đặc biệt đến giá, trong khi khách hàng ở phân khúc cao cấp quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm.