Trong thời kỳ Việt Nam mở cửa thị trường phân phối/bán lẻ theo các cam kết gia nhập WTO, giới kinh doanh và phân phối hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ Việt Nam băn khoăn trước việc các tập đoàn phân phối đa quốc gia thâm nhập vào nước ta sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, sự có mặt của các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh tài chính, công nghệ và tổ chức mạng lưới sẽ đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh.
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ Việt Nam đã nhận thức rõ việc mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ. Điều này đưa lại những cơ hội cùng những thách thức lớn do sự thâm nhập thị trường bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng sâu, rộng về số lượng, quy mô và thị phần. Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã không thụ động mà đang từng bước thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, giai đoạn 2009-2011, trước những khó khăn, thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng âm ở ngay các thị trường bán lẻ lớn trên thế giới, ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam đã vượt qua suy thoái với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2011 đạt khoảng 90 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2010, đây là mức tăng sau loại trừ yếu tố tăng giá: 4,7%.
Có thể nói, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam trong những năm qua đã nỗ lực mở rộng hệ thống bán lẻ, tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình phong phú, như các nhóm siêu thị tổng hợp, nhóm chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, mạng lưới phân phối/bán lẻ của các nhà sản xuất, đặc biệt là mạng lưới chợ truyền thống với hơn 8.600 chợ các loại, trong đó có khoảng 2,6% chợ loại 1; 11,2% chợ loại 2 và hơn 86,1% chợ loại 3.
Tuy nhiên, theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, thị trường bán lẻ Việt Nam từ khi gia nhập WTO cũng bộc lộ nhiều hạn chế như quy mô thị trường nhỏ, sức mua yếu, hiệu suất thấp. Phương thức chủ yếu là bán lẻ truyền thống; bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% trên cả nước, trong đó, tại thành phố Hồ Chí Minh từ 40% đến 42% và Hà Nội là 13%. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước yếu về nhiều mặt, trong đó có 4 điểm yếu cố hữu, đó là: Tính chuyên nghiệp, chiến lược dài hạn, năng lực tài chính và logistics. Bên cạnh đó, còn tồn tại những vướng mắc trong chiến lược phát triển thị trường bán lẻ thể hiện ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và doanh nghiệp.
Về phần mình, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương đã khẳng định, sau khi gia nhập WTO, ngành thương mại dịch vụ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đáng kể và được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, du lịch và tài chính ngân hàng. Năm 2011, tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm 37,7% trong khi lao động chiếm 24%. Tuy nhiên, mặc dù mức tăng trưởng cao, nhưng ngành dịch vụ cũng cho thấy những con số đáng buồn. Cụ thể, thương mại dịch vụ tăng cao nhưng vì tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hóa cao hơn nên tỷ trọng thương mại dịch vụ giảm so với thương mại hàng hóa, từ mức 12,4% vào năm 2006, nay còn 11,4% trong năm 2011 và hiện nay, Việt Nam đang chịu thâm hụt dịch vụ lớn.
Đông Nam bộ, khu vực năng động của thị trường bán lẻ
 |
Hệ thống Metro tại khu vực Đông Nam bộ thu hút khá đông khách hàng tới mua sắm, nhất là dịp cuối tuần (Ảnh: K.V)
|
Tại Hội thảo “5 năm gia nhập WTO - Doanh nghiệp thương mại dịch vụ Việt Nam, hội nhập và phát triển” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Báo Công thương vừa phối hợp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế đã nhận định, qua 5 năm gia nhập WTO và mở cửa thị trường, ngày càng nhiều hơn sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài. Có thể nói, đó là một luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam và khu vực các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ đã minh chứng cho điều này.
Có thể nói, ngoài thành phố Hồ Chí Minh, tại các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, ngành công nghiệp bán lẻ sau khi gia nhập WTO đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua với những bước tiến dài so với trước đó.
Do có nhiều động lực, ngoài áp lực cạnh tranh, bên cạnh đó, nhờ có sự phát triển với tốc độ cao của Internet, mạng xã hội và điện thoại di động, đã tạo cơ hội cho ngành bán lẻ của khu vực Đông Nam bộ phát triển khá nhanh. Đến nay, tại 5 tỉnh miền Đông Nam bộ đã có trên 500 chợ truyền thống, 40 siêu thị và trung tâm thương mại, 8 chợ đầu mối, cùng 45 chợ biên giới đang hoạt động hiệu quả. Nhiều địa phương đang có kế hoạch mở thêm nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, điển hình là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh này đã có quy hoạch mạng lưới kinh doanh trung tâm thương mại và siêu thị, tập trung chủ yếu tại thành phố Biên Hòa. Theo đó, thị trường bán lẻ Đồng Nai có thể mở thêm 28 trung tâm thương mại, 53 siêu thị và 10 khu thương mại dịch vụ. Được biết, đến nay trên địa bàn tỉnh này đã có 3 trung tâm thương mại đang hoạt động hiệu quả là BigC, Metro và một doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước tại huyện Vĩnh Cửu. Ngoài ra, nhiều dự án đã được giới thiệu cho các nhà đầu tư và đang trong quá trình xây dựng, như: BigC, Lotte, Công ty Tín Nghĩa, Công ty D2D, Công ty cổ phần Toàn Thịnh Phát… Về siêu thị, hiện có 5 điểm đang hoạt động cùng nhiều dự án đã được giới thiệu cho các nhà đầu tư và đang trong quá trình xây dựng, gồm: Sài Gòn Co.op, Công ty Cổ phần thương mại Đồng Nai, Công ty Cổ phần Sông Đà, Công ty Sonadezi…Có thể khẳng định, thị trường bán lẻ ở khu vực miền Đông Nam bộ, khu vực dẫn đầu về quy mô trong cả nước đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và triển khai khá hiệu quả.
Trong những năm qua, xu hướng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực Đông Nam bộ đã trở nên đa dạng với mức độ phát triển nhanh, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng những siêu thị tổng hợp, có quy mô trung bình để phát huy khả năng tài chính mục tiêu kinh doanh nhiều mặt hàng tại cùng một địa điểm. Nhà đầu tư đã cân bằng việc bán các loại hàng hóa, không chủ định tạo điểm nhấn hay chuyên doanh với loại hàng nào. Đây là xu hướng kinh doanh phổ thông, được đánh giá là dễ thực hiện để nhà đầu tư có thể gia nhập thị trường. Tiếp đó, các trung tâm thương mại, siêu thị ở Đông Nam bộ đã chú trọng đến mô hình kinh doanh kết hợp chức năng tổng hợp để tạo ra trung tâm thương mại kiêm trung tâm vui chơi giải trí. Do đó, nhà đầu tư đã thu hút được một lượng khách lớn đến mua sắm kết hợp tham gia những trò chơi, dịch vụ giải trí - văn hóa và ẩm thực, với trang thiết bị hiện đại nhằm tăng sức hấp dẫn. Mô hình đa dạng này đã tỏ ra hiệu quả và thành công tại các đô thị lớn như thành phố Biên Hòa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Thủ Dầu Một…và hiện đã có tại những địa phương khác là thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Với kinh nghiệm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, hệ thống bán lẻ tại thị trường Đông Nam bộ đã biết gắn kết với các doanh nghiệp của địa phương. Từ đây, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn và nhỏ đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa thường xuyên, hoặc hợp tác với các trung tâm thương mại, siêu thị để đưa sản phẩm hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng với giá cả và chất lượng bảo đảm. Điều này cũng làm cho số lượng khách hàng đến với các doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn, và trên hết, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam luôn khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước./…