Giá cá tra tăng mạnh trở lại
Hiệp Hội thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh trở lại. Tại các huyện nuôi nhiều loại cá này của tỉnh An Giang như: Phú Tân, Long Xuyên, Châu Đốc... giá cá tra loại 1, thịt trắng, trọng lượng từ 0,7 – 0,8kg/con có giá giao động từ 25.000 – 26.500 đồng/kg. Đặc biệt, ở huyện Thoại Sơn giá đạt 27.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng so với trước Tết.
Ở Đồng Tháp, giá cá tra tăng lên đến 1.500 đồng/kg, với loại 1, đạt từ 27.000 – 27.500 đồng/kg; cá loại 2 thịt vàng, trọng lượng từ 0,9 – 1,1 kg cũng đạt giá từ 25.500 – 26.000 đồng/kg. Ở Bến Tre và Tiền Giang, giá cá tra thịt trắng dao động từ 25.000 -26.000 đồng/kg , trong khi loại thịt vàng có giá 24.000 – 24.500 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giá cá nguyên liệu tăng là do các công ty chế biến xuất khẩu đã hoạt động ổn định trở lại sau thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán.
Tôm hùm, cá rô đầu vuông rớt giá
Tại Quy Nhơn, Bình Định, hiện giá tôm hùm thịt từ 1,3-1,5 triệu đồng/kg (thấp hơn 50% so với cùng kỳ), tôm ủ (tôm nuôi được 1 tháng) từ 125.000-240.000 đồng/con, trong khi trước đó giá mua vào đã từ 250.000 đồng/con.
Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, diện tích nuôi cá rô đầu vuông trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 300 ha trước đây xuống còn vài chục ha. Hiện nhiều hộ nuôi cá rô đầu vuông vướng nợ nần do cá rô giống suy thoái, cá bệnh vì ô nhiễm nên tỷ lệ hao hụt cao; giá cá giảm (cá 10 con 1 kg lúc trước giá 40.000-50.000 đồng/kg nay chỉ còn 23.000 đồng/kg); nguồn cung vượt cầu…
Giá đường giảm
Các nhà thương mại không mua vào, các nhà máy đường lại ồ ạt bán ra,… trong khi thị trường tiêu thụ trong nước đang ở mức thấp khiến giá đường liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Hiện giá đường RS trong nước đang ở mức 16.500 - 17.400 đồng/kg tại nhà máy, đã giảm hơn 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái.
Theo Bộ NN-PTNT, đến trung tuần tháng 1, toàn bộ 38 nhà máy đường của cả nước đã đi vào sản xuất. Lượng đường đã ép được từ đầu vụ đến nay đạt 461.100 tấn, tăng 48.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/1, lượng đường tồn kho ở mức 151.000 tấn, cao hơn khoảng 5.600 tấn so với cùng kỳ năm trước.
So với lúc các nhà máy đường trong nước vào niên vụ mới, thì giá đường thế giới cũng đã giảm hơn 100 USD/tấn, hiện ở mức 600 USD/tấn. Không những thế, giá đường trong nước còn bị tác động mạnh do lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam hàng ngày vẫn được tuồn vào nội địa. Giá đường lậu bán quá thấp, khoảng 16.000 đồng/kg tại Châu Đốc (An Giang) . Trong khi đó, nguyên nhân khiến giá đường trong nước giảm liên tục trong thời gian gần đây, ngoài các lý do trên thì tác động chính là do các nhà thương mại không mua đường dự trữ. Kể cả những nhà chế biến dùng đường làm nguyên liệu, họ cũng không mua trước. Do vậy mà các nhà máy đường hiện nay đang “ôm hàng”, không chịu nổi lãi suất ngân hàng, rồi áp lực kho chứa, hạn mức tín dụng nên tranh nhau bán ra. Mà nhiều người tranh nhau đẩy ra trong khi thị trường “không ăn” thì giá tuột.