Đây là những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo “Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế” do Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Đại học Tây Anh Quốc (UWE) tổ chức sáng ngày 10/2, tại Hà Nội.
Thực tiễn cho thấy, đa số phán quyết trong các vụ kiện quốc tế liên quan đến DN Việt Nam gần đây thường có nhiều bất lợi cho phía chúng ta, tiêu biểu như: Vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn, vụ việc về giày da, phụ tùng xe đạp, Việt Nam Airlines, Võng xếp Duy lợi....
Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, trong thời gian vừa qua, các DN Việt Nam tham gia vào nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế không chỉ với tư cách bị đơn mà còn với tư cách nguyên đơn. Trong các vụ việc này, các DN Việt Nam còn bị động, lúng túng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong các tranh chấp thương mại quốc tế giữa DN Việt Nam với DN hay cá nhân nước ngoài được xét xử tại nước ngoài, DN Việt Nam thường gặp nhiều bất lợi mà nguyên nhân là do DN Việt Nam còn chưa biết nhiều thậm chí xa lạ với hệ thống cơ quan xét xử, thủ tục tố tụng, pháp luật áp dụng cũng như khác biệt về văn hóa pháp lý và rào cản ngôn ngữ.
Do đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất, vững chắc, điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong thu hút đầu tư quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của Việt Nam còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết gây trở ngại cho đối tượng là chủ thể trong giao thương quốc tế, chưa phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế.
Cũng cần phải nói, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiện nay tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bằng hai con đường tòa án và trọng tài thương mại, bên cạnh những hình thức khác như thương lượng, hòa giải, trung gian. Qua đánh giá của các chuyên gia và kiểm chứng của cộng đồng doanh nghiệp thì các DN thường có xu hướng lựa chọn trọng tài thay vì tố tụng tại tòa án làm phương pháp giải quyết tranh chấp bởi những thuận lợi mà tố tụng trọng tài mang lại như sự nhanh chóng, sự bảo mật thông tin hơn.
Tuy nhiên, thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế đã đặt ra một số vấn đề phức tạp về xung đột pháp luật và theo khuyến nghị của TS Nguyễn Vũ Hoàng, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thì đối với các DN và cơ quan quản lý của Việt Nam, việc hiểu biết về pháp luật áp dụng sẽ thúc đẩy các bên tham gia vào các thỏa thuận thương mại quốc tế bất chấp những khác biệt cơ bản về văn hóa và pháp lý giữa các quốc gia.
Mặc kệ những ưu điểm của hình thức giải quyết tranh chấp này, theo báo cáo của của Trung tâm Trọng tài Việt Nam (VIAC) thì số vụ giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tăng không nhiều qua các năm. Từ năm 2001-2010, VIAC đã giải quyết tổng số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 197 vụ chiếm 75%, tranh chấp trong nước là 97 vụ chiếm 25%.
Điều đáng nói, trong các tranh chấp đó, hầu hết là các tranh chấp có giá trị không lớn và phần lớn nguyên đơn là DN Việt Nam khi chiếm tới 82% và hầu hết tranh chấp phát sinh do không mở L/C đúng hạn, phạt hợp đồng do không giao hàng, giao hàng chất lượng kém hoặc giao hàng sai xuất xứ...
Nhìn chung trong bất kỳ trường hợp nào, DN Việt Nam phải chịu trách nhiệm và phải chủ động trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mai quốc tế với DN nước ngoài, nhất là các tranh chấp được giải quyết tại các cơ quan tài phán ở nước ngoài.
Tuy nhiên, lợi ích của doanh nghiệp vô hình chung cũng chính là lợi ích quốc gia, chính vì thế, Chính phủ cũng không nên làm ngơ, đứng ngoài và để mặc tranh chấp cho DN hay các hiệp hội ngành hàng tự xử lý.