Có thâm niên hơn mười năm sản xuất các mặt hàng gia vị, thực phẩm..., doanh nghiệp của chị Nguyễn Thị H ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) vẫn "đau đáu" với giấc mơ sản phẩm của mình chen được "chân" vào hệ thống siêu thị. Trong thời gian dài, chị phải chạy khắp nơi làm thủ tục để đáp ứng đủ loại giấy tờ của siêu thị nhằm bảo đảm những tiêu chuẩn hàng hóa, xuất xứ rõ ràng... "Chưa hết, họ còn yêu cầu giá cả cạnh tranh, năng lực phát triển sản phẩm, sản lượng ổn định; rồi có các chiến dịch khuyến mãi, giảm giá, quảng bá truyền thông thương hiệu để tạo sức hút...", chị H than thở.
Tương tự, doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng của anh Trương Tuấn D ở quận 5 cũng đang chật vật tìm đường vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố. Ðiều làm anh "đau đầu" nhất hiện nay không phải thủ tục để được vào siêu thị mà phải làm sao duy trì tiềm lực tài chính để thuê những vị trí bắt mắt nhằm đạt lượng hàng bán ra được nhiều nhất. "Có ký được hợp đồng trưng bày hàng hóa tại các siêu thị cũng đâu có được lâu dài. Hầu hết các siêu thị chỉ áp dụng thời hạn một năm và sau thời gian này doanh nghiệp lại tiếp tục cạnh tranh khốc liệt để có suất vị trí đẹp", anh D cho biết. Theo anh D, để có vị trí đẹp, các doanh nghiệp phải "tranh giành" nhau thuê, có khi phải mất hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo một số doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị, để có một "chỗ đứng" trong siêu thị, sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện gắt gao. Chẳng hạn như với mặt hàng thực phẩm, phải có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế; nhà cung cấp hàng vào siêu thị không phải là nhà sản xuất, nhập khẩu trực tiếp hàng hóa phải bổ sung hợp đồng phân phối, đại lý hoặc hóa đơn mua hàng với bên thứ ba; hàng hóa có nhãn hiệu độc quyền được bảo hộ tại Việt Nam phải có chứng thư nhượng quyền kinh doanh, phân phối trên lãnh thổ Việt Nam; đối với hàng hóa có tính chất đặc biệt, đặc trưng thì phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan quản lý chuyên ngành... Ðể hoàn tất các loại giấy tờ này, có khi doanh nghiệp phải mất hàng tháng trời mới xong.
Bên cạnh đó, hầu hết các siêu thị đều yêu cầu doanh nghiệp phải tính chiết khấu lại với tỷ lệ khá cao. Các siêu thị cho rằng, mức chiết khấu cao là chi phí cho hàng loạt khâu như hỗ trợ doanh số bán hàng, hỗ trợ khuyến mãi, hỗ trợ bày bán, hỗ trợ sinh nhật, hỗ trợ tờ rơi... mỗi khoản một chút. Tuy nhiên, không chỉ chiết khấu cao, doanh nghiệp còn phải tổ chức khuyến mãi riêng cho siêu thị vào các dịp lễ, Tết lớn trong năm. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp rất muốn hàng hóa mình được vào siêu thị, nhưng nhìn lại các thủ tục và điều kiện thì đều "ngán".
Lý giải cho điều này, đại diện hệ thống siêu thị cho biết, ngoài những tiêu chuẩn thông thường, các nhà cung cấp nên đưa ra các sản phẩm có ưu điểm vượt trội về giá hoặc tính năng. Về phía siêu thị, vì số lượng quầy, kệ có hạn cho nên không thể ngay lập tức thay thế những nhãn hàng doanh số ổn định, thị phần tăng trưởng, đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng bằng các nhãn hàng hoàn toàn mới cùng chủng loại. Ngoài ra, hiện phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sản xuất ít ổn định, mẫu mã và chất lượng, tính năng sản phẩm thiếu sáng tạo, không nắm bắt được xu hướng nên rất khó tạo được ưu thế cạnh tranh. Do sản phẩm không bảo đảm cung cấp một cách ổn định về chất lượng và số lượng cũng như các yếu tố cạnh tranh kèm theo nên siêu thị rất khó khăn trong hỗ trợ lâu dài.
Hệ thống siêu thị cũng cho rằng, họ đang nỗ lực đa dạng hóa các gian hàng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa vào siêu thị phải đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật, đáp ứng những tiêu chí riêng của từng siêu thị liên quan vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, mẫu mã, khả năng cung ứng, vận chuyển, giá cả... "Chúng tôi đang có những giải pháp cụ thể giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Cụ thể, hỗ trợ về mặt vận chuyển như xây dựng trung tâm trung chuyển giúp doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đến các tỉnh, thành phố khác; tích cực tư vấn các vấn đề về nhu cầu của người tiêu dùng đối với từng mặt hàng, quy cách đóng gói, bao bì sản phẩm phù hợp, cách thức tổ chức khuyến mãi, quảng bá, hoàn thiện quy trình, dây chuyền sản xuất để có thể sản xuất được sản phẩm phù hợp quy định..."-