Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 này tăng 0,83% so với tháng 7. Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế là nhóm hàng có tác động mạnh nhất tới giá cả nói chung. Chỉ riêng trong tháng 8, nhóm hàng này có mức tăng 4,11% so với tháng 7 trong đó nhóm dịch vụ y tế tăng 5,09%. 8 tháng đầu năm 2013, nhóm hàng này đã có mức tăng “phi mã” so với cùng kỳ năm ngoái là 57,98%. Tiếp đó là nhóm hàng giáo dục tăng 0,9% so với tháng trước và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% so với tháng 7.
Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về mức tăng giá trong tháng này. Nguyên nhân là do từ đầu tháng 8, Hà Nội áp dụng mức viện phí và phí dịch vụ y tế mới khiến giá cả nhóm này tăng vọt. Bên cạnh đó, cũng như nhiều địa phương khác, việc tăng giá xăng dầu liên tiếp trong tháng 7, tháng 8 và tăng giá điện, giá gas đầu tháng 8 đã đẩy giá các mặt hàng đầu vào sản xuất, sinh hoạt tăng cao. Ngoài ra, mưa bão liên tục trong chu kỳ tính CPI vừa qua tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã tác động trực tiếp khiến giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lên mức cao hơn khá nhiều so với giá bán trước đây.
Lo lắng về tình trạng giá cả nhiều dịch vụ, hàng hóa tăng, chị Nguyễn Bích Vân (Đại Cồ Việt- Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Cầm tiền trong tay mới biết giá cả đang diễn biến thế nào. Viện phí, thuốc hay gas, xăng dầu, điện đều tăng giá, kéo theo cả thực phẩm, rau xanh cũng “té nước theo mưa”. Trong số các hàng hóa, dịch vụ này, người dân chúng tôi không thể giảm bớt bất kỳ nhu cầu nào. Biết là tốn kém hơn nhiều nhưng vẫn phải tiêu”.
Nỗi lo của người tiêu dùng rất cần được chia sẻ khi những ngày mưa bão đã kết thúc ở Hà Nội nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ nguyên như khi thời tiết thất thường. Cụ thể, giá một số loại rau xanh như sau: rau dền 7.000 đồng/mớ; cà chua 15.000 đồng/kg; cải ngọt 18.000 đồng/kg; bí đao 10.000 đồng/kg; cà rốt 18.000 đồng/kg, cải bắp 18.000 đồng/kg, khoai môn 20.000 đồng/kg; thì là 110.000 đồng/kg.
Giá một số loại thực phẩm tươi sống cũng nhích lên: thịt nạc thăn, nạc vai 85.000 đồng/kg; sườn 85.000- 90.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 80.000 đồng/kg. Thịt bò dao động từ 260.000- 280.000 đồng/kg. Cá quả 120.000 đồng/kg. Cua 120.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các chợ cho thấy, nguồn rau xanh vẫn chưa dồi dào do ảnh hưởng của các đợt mưa gần đây. Chị Hương (tiểu thương tại chợ Thành Công) cho biết: “Giá rau xanh khó giảm do nguồn cung chưa thực sự dồi dào”. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, tiểu thương đã muốn tăng giá bán nhiều loại mặt hàng do giá xăng dầu và gas… liên tiếp biến động bất lợi. Nhưng do sức mua yếu nên họ chưa dám tăng. Đến nay, “mượn cớ” thời tiết nên giá cả rất khó xuống.
Chị Mai (tiểu thương chợ Phùng Khoang) cũng cho hay, giá gạo bán lẻ trên thị trường đang có xu hướng tăng. “Mấy đợt nhập hàng gần đây, lần nào gạo cũng tăng vài giá. Hết đợt hàng vừa nhập này là lần sau chúng tôi sẽ tăng giá”- chị Mai nói. Theo đó, gạo Bắc Hương hiện đang ở mức 15.000 đồng/kg; Tám Thái 18.000 đồng/kg; Xi dẻo 13.500 đồng/kg… Mức tăng sắp tới được dự báo thêm khoảng 1.000 đồng/kg mỗi loại.
Một chuyên gia kinh tế phân tích, nếu chỉ nhìn vào mức tăng CPI nói chung, sẽ có ý kiến cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng bởi biên độ dao động lớn hơn các tháng khác, chứng tỏ sức mua trên thị trường đã tích cực hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, giá cả tăng tháng này lại chưa phản ánh sức mua bởi mức tăng hoàn toàn do việc điều chỉnh giá các mặt hàng trong rổ hàng hóa một cách đơn thuần. Vị chuyên gia này cũng lo ngại giá cả nhóm giáo dục sẽ còn tăng mạnh trong tháng 9 tới khi năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, chưa có cơ sở dự báo các mặt hàng khác sẽ tăng giá đột biến. Việc cần làm lúc này vẫn là thận trọng với lạm phát và tìm biện pháp kích thích tiêu dùng.
Tới thời điểm này, CPI cả nước đã tăng 3,53% so với tháng 12-2012. Dự báo, CPI 3 tháng cuối năm nay cũng được đánh giá sẽ không biến động lớn với mức tăng khoảng 0,5%/tháng. Do đó, lạm phát năm nay không có gì đáng ngại.