Chóng mặt với giá thị trường
Là DN mới tham gia chương trình bình ổn giá được hơn một năm, Công ty Cổ phần An Việt thực hiện vai trò cung cấp thực phẩm tới hơn 70 bếp ăn tập thể tại các trường học, công ty, khu công nghiệp với mức giá hợp lý, đảm bảo an toàn chất lượng. Ngoài ra, công ty này còn mở các siêu thị để bán hàng bình ổn trực tiếp tại các khu công nghiệp, thậm chí mở cửa hàng tại các nhà máy của các tập đoàn lớn.
An Việt là một trong những công ty thực hiện vai trò mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn ra các đối tượng tiêu dùng khác nhau, đặc biệt là những người thu nhập thấp như học sinh, sinh viên, công nhân...
Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nam Giám đốc Công ty An Việt, khó khăn lớn nhất khi tham gia chương trình bình ổn là làm sao để giá bán các sản phẩm đến các DN, đối tác giữ được mức thấp theo quy định. Cũng bởi, với nguồn vốn hỗ trợ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, trong khi các mặt hàng mà Công ty cung cấp đều là hàng hóa thiết yếu, giá luôn có biến động. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì hiệu quả hoạt động của chương trình cũng như đảm bảo cho DN kinh doanh có lãi. “Rất khó khăn để vừa giữ được mức giá thấp hơn 10% so với giá thị trường, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, chúng tôi đã phải nỗ lực hết sức thông qua việc tiết giảm chi phí và tìm nguồn hàng ổn định”, ông Nam nói.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những đơn vị được hưởng vốn ưu đãi lớn nhất từ Thành phố cho chương trình bình ổn giá. Với nhu cầu thị trường khá lớn và để đảm bảo hiệu quả hoạt động bình ổn, bên cạnh số tiền hỗ trợ là 126 tỷ đồng, DN này còn chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho bình ổn lên đến 250 tỷ đồng. Bởi theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng giám đốc của Hapro, phần lớn các mặt hàng bình ổn đều là những sản phẩm thiết yếu cho đời sống, lại phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, luôn bị tác động của thời tiết, dịch bệnh nên có thời điểm cung cầu mất cân đối. Trong khi đó, để hàng hóa đến được tay người tiêu dùng, phải qua rất nhiều khâu trung gian nên bị đội giá lên từ 70 - 100%, khiến cho hoạt động bình ổn kém hiệu quả.
Nguy cơ lỗ
Để chính sách bình ổn có hiệu quả thì cần tập trung vào nhà sản xuất và nhà bán lẻ cuối cùng, bởi nếu đưa bình ổn qua các khâu trung gian thì sẽ hạn chế hiệu quả”, ông Kiên kiến nghị.
Theo một số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, thì những cơ chế điều chỉnh giá sát với giá thị trường cũng cần có sự thay đổi mang tính linh hoạt hơn, nhằm đảm bảo giá bình ổn theo sát thị trường, tránh việc hưởng lợi khi giá thị trường giảm, hoặc phải chịu thiệt khi giá thị trường tăng lên.
Một DN phân phối tham gia chương trình bình ổn này cho biết, thời gian qua do giá xăng dầu, giá điện đều tăng nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng biến động theo với xu hướng tăng. Thậm chí, có những loại hàng hóa có giá biến động từng ngày như các loại rau, củ quả, thủy hải sản... nên giá hàng hóa bình ổn khó bắt kịp với giá của thị trường. Có thời điểm, việc dự trữ nguồn hàng bị thiếu hụt do khan hiếm nguồn cung, thị trường tăng giá chóng mặt nhưng DN bình ổn vẫn phải chấp nhận “lỗ” để giữ giá, nhằm đảm bảo duy trì mức giá thấp hơn 10% giá thị trường.
Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội cho biết đã kiểm tra 11 DN tham gia chương trình bình ổn và phát hiện một số DN vi phạm về niêm yết giá, với số tiền xử phạt lên đến 95 triệu đồng. Theo một số DN, trong khi vừa phải đăng ký giá và bán đúng giá niêm yết, lại vừa chịu áp lực từ việc tăng giá trên thị trường, việc vi phạm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá cả luôn biến động mạnh như hiện nay. Và nếu không có những cơ chế tháo gỡ về việc điều chỉnh giá, chắc chắn hoạt động bình ổn khó đat được hiệu quả như mong muốn.