Theo kế hoạch, thành phố tập trung bình ổn 7 nhóm hàng thiết yếu, gồm 5.500 tấn gạo tẻ thường; 900 tấn thịt lợn; 450 tấn thịt gà; 6 triệu quả trứng gà, vịt; 300 tấn thủy hải sản; 1,5 triệu lít dầu ăn; 2.000 tấn rau củ. Hàng hóa phải bảo đảm là hàng Việt Nam, có xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như có biến động về giá; có đầy đủ bao gói nhãn mác và thông tin liên quan đến sản phẩm. Số hàng này đáp ứng bình quân 10% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong một tháng. Các DN bằng nguồn vốn tự có chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng thêm 20%. Ba nhóm hàng, gồm: Thực phẩm chế biến, đường, giấy vở học sinh đều khá dồi dào, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến nên thành phố không thực hiện BÔG. Tham gia chương trình BÔG là các DN phân phối bán lẻ, DN sản xuất, DN cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chí về quy mô kinh doanh, hoạt động có hiệu quả; có khả năng bảo đảm cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt…
Toàn thành phố có hơn 600 điểm bán hàng tập trung ở siêu thị, chợ dân sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm. Các DN dự kiến tổ chức hơn 300 phiên bán hàng lưu động, hơn 10 phiên chợ Việt, với quy mô 15-20 gian hàng/phiên để bán hàng chất lượng cao và hàng BÔG. |
Để góp phần bình ổn thị trường, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mở rộng tối đa mạng lưới phân phối với tổng số dự kiến khoảng 265 điểm. Trong đó, có 51 điểm bán cố định tại siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood và 214 chuyến bán hàng lưu động BÔG. Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, trong trường hợp nhận được yêu cầu tăng giá, Big C sẽ xem xét kỹ lý do, tỷ lệ tăng có hợp lý không và yêu cầu thời gian áp dụng chậm nhất có thể. Đến thời điểm này, giá hàng hóa vẫn ổn định do Big C luôn chủ động thu mua hàng với số lượng lớn; đồng thời, không có hiện tượng nhà cung cấp gửi yêu cầu tăng giá. Các siêu thị như Hapro, Hiway, Citimart, Intimex… còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi quy mô lớn, áp dụng mức giảm giá sâu đối với nhiều mặt hàng, nhằm kích cầu tiêu dùng. Từ nay đến ngày 22-8, Hiway triển khai chương trình "Ngày hội đồ dùng nhà bếp", giảm giá 40% đối với hơn 300 sản phẩm gia dụng và đồ điện gia dụng, thực phẩm, sản phẩm thời trang…
Chương trình BÔG các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội 7 năm trở lại đây đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá ảo; cung cấp nguồn thực phẩm sạch, có xuất xứ rõ ràng. Để chương trình năm nay đạt được kết quả cao hơn, thành phố sẽ đẩy mạnh khai thác, thu mua hàng hóa từ các địa phương khác, ưu tiên nguồn hàng của DN, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ sản xuất để phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo nguồn hàng thiết yếu ổn định thị trường; phát triển mạng lưới điểm bán hàng cố định tại chợ dân sinh, khu dân cư theo mô hình hợp tác xã liên kết, đại lý.