Tuy nhiên, với hàng loạt các thông tin về một số các mặt hàng tiêu dùng như điện, gas, sữa, thực phẩm tăng giá bắt đầu tăng giá từ ngày 1/8, khiến cho không ít các chuyên gia lo ngại về khả năng giữ vững mục tiêu đã đề ra.
Không có hiện tượng “té nước theo mưa”
Diễn biến giá cả khá ổn định trong những tháng vừa qua là “cơ hội tốt” để Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng của Nhà nước theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.
Nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
Từ ngày đầu tiên của tháng 8, thị trường đã liên tiếp nhận được những thông tin về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện thêm 5%, giá gas, giá sữa. Một số chuyên gia cho rằng, việc giá hàng hóa tăng đồng loạt như vậy sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này nhưng tác động không nhiều bởi sức mua yếu, ít có hiện tượng tăng giá kiểu “té nước theo mưa.”
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân thì sự điều chỉnh tăng giá bán điện sẽ có tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Do đó các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát thận trọng và công khai cao nhất lộ trình, chí phí của ngành điện để tránh gây ra tâm lý bất ổn trong điều hành chính sách của các mặt hàng mang tính độc quyền này.
Đối với thông tin về mặt hàng giá sữa tăng từ 5 - 20%, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết từ tháng 4 đến nay không có đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Cục Quản lý giá.
Theo Cục quản lý giá thì từ 1/1 đến tháng 4 có một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gửi thông báo giá bán sản phẩm của công ty đến Cục Quản lý giá (theo thông báo giá của các công ty gửi về Bộ Tài chính thì các sản phẩm này là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng..., không phải là sữa và mỗi công ty điều chỉnh một lần).
Cục quản lý giá nhận định hiện trên thị trường, hầu hết là các sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng chứ không phải là sữa. Nếu các sản phẩm không phải là sữa mà ghi là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng... thì không nằm trong danh mục phải đăng ký, kê khai giá.
Mặt khác, hiện nay quản lý giá sữa có các Bộ tham gia gồm Bộ Công Thương (quản lý việc nhập khẩu sữa); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (quản lý nguồn sữa tươi sản xuất trong nước) và Bộ Y tế (quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng, phân loại sản phẩm).
Ngoài ra, giá gas tăng, việc Hà Nội thực hiện tăng viện phí từ ngày 1/8, cũng khiến cho diễn biến giá cả trong tháng 8 trở nên khó lường.
Nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách điều hành giá các dịch vụ như y tế, giáo dục, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than... cần rất thận trọng, tránh việc tăng giá cùng một thời điểm và ở nhiều địa phương cũng sẽ đe dọa đến lạm phát tăng trở lại.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh giá của một số hàng hóa sẽ kiến CPI tháng 8 tăng khoảng 0,5% và cả năm sẽ khoảng 7 % nếu không có những đột biến về giá thế giới, tài khóa, tiền tệ trong nước.
Linh hoạt nhiều giải pháp
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì giải pháp tốt nhất để kiểm soát giá cả hàng hóa hiện nay là hiệp hội các nhà siêu thị và doanh nghiệp phân phối hàng hóa phải ngồi với nhau để đàm phán, cân nhắc mặt hàng nào đáng tăng và tăng ở mức nào là hợp lý. Đồng thời, siêu thị cũng phải tiết kiệm các khoản chi phí khác để giá bán hàng hóa ít bị ảnh hưởng.
Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; làm tốt công tác dự báo để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo lộ trình, thời gian, mức độ tăng học phí, viện phí (nếu có) đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động đến tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2013.
Đặc biệt, điều hành giá xăng dầu, than bán cho sản xuất điện, điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đáp ứng mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.
Riêng với giá sữa, nhằm quản lý, bình ổn mặt hàng sữa, từ năm 2009 đến nay Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá, Thanh tra Tài chính, Tổng cục Hải quan phối hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thuế, giá. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh mặt hàng sữa tại địa phương.
Mặt khác, căn cứ vào hồ sơ đăng ký giá của doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá (trước khi có quy định đổi tên sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế), Bộ Tài chính đã kiểm tra, kiểm soát và có văn bản đề nghị doanh nghiệp không tăng giá khi yếu tố hình thành giá không thay đổi.
Cục Quản lý giá nhận định, những tháng cuối năm, việc điều hành giá sẽ được cân nhắc hết sức thận trọng, bởi vừa phải điều hành để tiến sát với giá thị trường nhưng cũng cần hết sức linh hoạt, bởi áp lực tăng giá dồn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu đề ra./.