Báo cáo thị trường hàng tiêu dùng nhanh do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel thực hiện ở bốn thành phố chính lớn là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ vừa công bố cho thấy, trong thời gian ba tháng gần nhất tính đến ngày 16-6-2013, mức tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là 80% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này trái ngược với tình hình tăng trưởng chậm lại ở các mô hình, kênh mua sắm khác. Chẳng hạn, siêu thị, đại siêu thị chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 5% (trong khi kỳ khảo sát thực hiện 3 tháng trước đó là trên 15%), tương tự kênh chợ truyền thống. Tốt hơn là tiệm tạp hóa nhưng mức tăng trưởng cũng chỉ 10%.
Cũng theo khảo sát kể trên của Kantar Worldpanel, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hiện đang chiếm thị phần 5% trong tổng các kênh mua sắm, tăng một điểm phần trăm so với kỳ khảo sát trước đó.
Công ty Kantar Worldpanel nhận định, sức hấp dẫn của mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nằm ở sự tiện lợi mà nó đem lại cho người tiêu dùng khi lượng người mua sắm vừa phải, không mất nhiều thời gian xếp hàng chờ ở quầy thanh toán, không mất quá nhiều thời gian tìm và chọn sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo có được trải nghiệm mua sắm hiện đại và an toàn.
Kết quả nghiên cứu trên được các nhà bán lẻ xác nhận. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc của Vissan, đơn vị có hơn 100 cửa hàng thực phẩm tiện lợi cho biết, tốc độ tăng trưởng của mô hình này trong những năm gần đây luôn ở mức hai con số.
Trong đó, doanh thu năm 2012 tăng trưởng 20% so với năm 2011. Và so với các mô hình khác mà Vissan tham gia như chợ truyền thống, siêu thị (thông qua hình thức cung cấp hàng hoặc có quầy hàng trực tiếp), mức tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi cao nhất và ổn định nhất.
Cũng theo ông An, trong điều kiện kinh tế khó khăn, mô hình cửa hàng tiện lợi càng thu hút được người tiêu dùng bởi tính tiện lợi và tiết kiệm.
“Khi mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn bởi xác định rõ ràng những thứ cần mua. Trong khi đó, đến các siêu thị, đại siêu thị, họ rất dễ bị choáng ngợp bởi khối lượng hàng hóa lớn và sự kích thích từ các chương trình khuyến mãi”, ông An phân tích.
Ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods cho biết, qua gần 2 năm phát triển, mô hình này đạt được hiệu quả kinh doanh như mong đợi. Satra cũng xác định đây là mô hình bán lẻ phù hợp để mở rộng trong thời gian tới bởi diện tích không lớn, dễ đầu tư, đầu tư nhanh.
Hiệu quả của mô hình cửa hàng tiện lợi đã và đang khiến các nhà bán lẻ hiện hữu liên tục đầu tư cửa hàng mới, mở rộng chuỗi. Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư mới.
Mới đây nhất là Tập đoàn BJC của Thái Lan với chuỗi cửa hàng tiện lợi mang tên B's Mart thông qua thương vụ mua lại chuỗi FamilyMart.