Cuộc đua của những thương hiệu mạnh
Ngày 27-12-2008, cửa hàng Co.op Food đầu tiên (đặt tại chung cư Phan Văn Trị, quận 5, TPHCM) của Liên hiệp HTX thương mại TPHCM Saigon Co.op ra đời, đến nay Saigon Co.op đã sở hữu 61 cửa hàng Co.op Food. Đây cũng là chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là hàng sơ chế có uy tín tại TPHCM. Ngay từ khi thành lập, Saigon Co.op đã xác định mục tiêu rất cụ thể, đó là Co.op Food sẽ nhắm vào đối tượng chủ yếu là những nữ công nhân viên chức vừa đi làm, vừa lo nội trợ. Họ có nhu cầu mua thực phẩm ở những nơi sạch sẽ, lựa chọn nhanh, thực phẩm đã được sơ chế và đảm bảo vệ sinh... Đó là những yêu cầu mà hệ thống chợ hay các kênh bán lẻ hiện có chưa thực sự làm họ thỏa mãn. Saigon Co.op muốn thông qua Co.op Food để hút khách từ các kênh mua sắm khác, từ đó tăng thị phần và độ bao phủ của mình.
Bên cạnh các cửa hàng Co.op Food, Saigon Co.op cũng đang triển khai tốt việc liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Đoàn thanh niên trong việc phát triển các cửa hàng Co.op nhằm đưa hàng bình ổn đến với vùng sâu, vùng xa. Kết quả, chỉ sau hơn 1 năm thực hiện đã có hơn 50 cửa hàng liên kết Co.op ra đời, góp phần hiện đại hóa ngành bán buôn, bán lẻ của TPHCM, từng bước đẩy lùi các điểm bán hàng tự phát, gây mất an ninh trật tự ở khu vực ngoại thành. Trong năm đầu tiên, Co.op Food kinh doanh gần như không có đối thủ. Nhưng thời gian gần đây, trong phân khúc cửa hàng tiện lợi chuyên về thực phẩm tươi sống đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới.
Có mặt vào giữa năm 2011, đến nay SatraFoods (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra) đã hình thành được 22 cửa hàng. Thế mạnh của SatraFoods là có nguồn hàng dồi dào, phong phú từ chính các DN thành viên trực thuộc Satra như chợ đầu mối Bình Điền, Vissan, Cầu Tre, Argex,… Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng tươi sống, SatraFoods cũng tăng cường bán các loại thực phẩm khô, thực phẩm sơ chế và chế biến. Satra cũng đặt ra mục tiêu đạt mốc 50 cửa hàng SatraFoods trong năm 2013, bên cạnh với việc tìm kiếm mặt bằng để phát triển các siêu thị Satramart.
Không kém cạnh các DN phân phối, Công ty Vissan đã có 103 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan. Không dừng lại ở dạng cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của công ty, Vissan đang hướng dần đến chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến và hàng nhu yếu phẩm. Ông Phan Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vissan cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Vissan đang tính đến việc cơ cấu lại nguồn hàng bán trong các cửa hàng, trong đó các sản phẩm của Vissan chiếm khoảng 40% - 50%, còn lại là các mặt hàng khác, tăng cường các loại thực phẩm tươi sống sơ chế.
|
Mua hàng tại cửa hàng tiện lợi Co.op trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
|
Phân khúc nhiều tiềm năng
Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, so với kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã và đang phát huy được nhiều lợi thế như không cần diện tích lớn, không tốn nhiều chi phí khi đầu tư, có thể đi sâu vào các khu dân cư và so với hệ thống các cửa hàng tạp hoá thì mô hình này văn minh và hàng hoá đa dạng, phong phú hơn… nên dễ dàng thu hút người tiêu dùng. Cũng theo ông Nhân, so với siêu thị, doanh thu tại chuỗi cửa hàng Co.op Food liên tục đạt mức tăng trưởng 100%.
Bình quân, lượng khách hàng đến với 1 cửa hàng Co.op Food khoảng 700 lượt, với doanh thu bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/ngày. So với những thương hiệu khác, Co.op có nhiều kinh nghiệm trong chiến lược phát triển cũng như định vị phân khúc và khách hàng tiềm năng. Saigon Co.op cũng đang hướng đến mỗi nhân viên là một người tư vấn tiêu dùng, tư vấn bữa ăn cho khách hàng. Đây cũng là thương hiệu đầu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cửa hàng an toàn tiện lợi tại các KCN, KCX với chuỗi gần 10 cửa hàng trong tổng số 61 cửa hàng. Năm 2013, Saigon Co.op sẽ đầu tư tại mỗi KCN, KCX đều có ít nhất 1 cửa hàng và đến năm 2015 sẽ đạt mốc 150 cửa hàng.
|
|
Ông Nguyễn Văn Thản - Trưởng phòng Thực phẩm tươi sống Công ty Vissan tin tưởng, nếu DN kiên trì theo đuổi được mục tiêu (chất lượng - an toàn - tiện lợi), phát triển nhanh các điểm bán đồng thời nâng cao tay nghề cũng như cung cách phục vụ thì Vissan sẽ thành công. Điều này các DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa thể làm được. Trong khi đó, đại diện Satra khẳng định sẽ tập trung xây dựng chuỗi cửa hàng SatraFoods tại TPHCM, đặt nền tảng cho việc phát triển tại các tỉnh, thành của cả nước trong thời gian tới. |
|
Tại Việt Nam, loại hình cửa hàng tiện lợi cũng tạm chia thành 2 loại gồm cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm và chuyên về hàng tiêu dùng nhanh. Ở loại hình thứ nhất, ưu thế đang thuộc về các DN trong nước. Tuy không nói ra nhưng chủ các chuỗi cửa hàng của Co.op Food, Vissan và SatraFoods… đang có tham vọng sẽ đầu tư, phát triển cửa hàng này thành những chợ thu nhỏ. Ở đó người tiêu dùng có thể chọn mua được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
Từ thực tế kinh doanh, ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng, cái khó trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại VN là đại đa số người tiêu dùng chưa có thói quen phải trả giá cao cho yếu tố tiện lợi. Nếu sản phẩm bán giá cao hơn các siêu thị, chắc chắn sẽ không được người tiêu dùng ủng hộ. Kinh doanh cửa hàng tiện lợi không như siêu thị, đòi hỏi DN phải có khả năng cung ứng hàng hóa cao, bổ sung hàng nhiều lần trong ngày, do vậy hệ thống logictics phải được đầu tư đúng mức. Để “giữ chân” khách hàng thì yếu tố con người cực kỳ quan trọng. Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP: “Cản ngại lớn nhất trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi của DN là gì?”. Đại diện cả Saigon Co.op, Vissan và Satra đều cho rằng rất khó tìm mặt bằng. Giá thuê mặt bằng cho dù có giảm so với trước nhưng không hề rẻ, cộng với thời gian cho thuê rất ngắn. Ở các huyện ngoại thành, muốn mở cửa hàng ngoài việc phải trả tiền mặt bằng thì DN còn phải đầu tư hoàn toàn mới 100%, dẫn đến khả năng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao.
Một chuyên gia tư vấn phát triển thị trường nhìn nhận, cuộc đua mở cửa hàng tiện lợi mới chỉ bước vào giai đoạn đầu của cuộc cạnh tranh. Theo đó, sự thành bại của mô hình kinh doanh và của từng DN còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Khi xây dựng chính sách giá, DN phải trả lời được các câu hỏi như giá cao bao nhiêu, tương xứng như thế nào trong mối tương quan với sự tiện lợi như vị trí cửa hàng, chủng loại sản phẩm, các tiện ích, dịch vụ đi kèm… Điều quan trọng là DN phải kết nối được với các vùng nguyên liệu để làm chủ nguồn hàng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán cạnh tranh nhất.