“Hàng Việt đang bị “lép vế” trên sân nhà, thậm chí dần bị đánh bật khỏi các kênh bán hàng như chợ, siêu thị, lẫn kênh phân phối đưa hàng về nông thôn”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) khẳng định.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại TP Hồ Chí Minh, tại các hệ thống siêu thị như Big C, Co.opmart…, những vị trí đẹp, dễ nhận thấy nhất, đều là quầy trưng bày sản phẩm của các công ty đa quốc gia, hầu như không thấy sản phẩm nào của DN thuần Việt. Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm DN Việt Nam thừa sức sản xuất nhưng tại các quầy kệ siêu thị thay thế bằng sản phẩm ngoại nhập cùng chủng loại, nhiều nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm... Không chỉ siêu thị, ngay cả chợ truyền thống – “kênh” phân phối được xem là gần gũi và hiệu quả của DN Việt, giờ đây cũng đang dần bị thu hẹp do sự “bành trướng” ngày càng sâu rộng của các công ty đa quốc gia.
|
Hàng hóa trong siêu thị của các công ty đa quốc gia phần lớn chiếm vị trí đẹp. |
Giải thích về sự “soán ngôi” hàng Việt của các công ty đa quốc gia, các tiểu thương chợ Bến Thành, chợ Tân Định… cho biết, trước đây các công ty đa quốc gia gần như quên “kênh” phân phối ở chợ, nhưng gần đây họ đẩy mạnh đưa hàng vào chợ. Song song đó, họ cũng quảng bá rất tốt chương trình bán hàng như giới thiệu sản phẩm mới, khuyến mãi…
Nói về tình hình hàng Việt tại các kênh phân phối, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng: Thông tin 80 - 90% hàng Việt bán tại siêu thị nhưng thực chất toàn là hàng do DN Việt gia công cho công ty đa quốc gia, hàng của công ty đa quốc gia, hoặc là hàng nhãn riêng của siêu thị. Còn hàng Việt do các DN Việt nhỏ và vừa sản xuất thì gần như đã bị đánh bật ra khỏi hệ thống siêu thị.
Bà Hạnh dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm chắc chắn DN Việt sẽ còn nhiều khó khăn hơn. Trước tình trạng trên, để hàng Việt cạnh tranh tốt tại hệ thống phân phối hiện đại, Hội DNHVNCLC đã làm việc với với siêu thị Co.opmart, Big C đưa ra sáng kiến là chọn một số DN có vốn thuần Việt, hỗ trợ đặc biệt cho họ vào siêu thị để “phát triển bền vững” tại kênh phân phối này.
Theo đại diện siêu thị Co.opmart, Co.opmart đã triển khai chương trình này từ ngày 15/7, hỗ trợ đặc biệt cho các DN, cơ sở SX đặc sản các tỉnh, thành; các làng nghề (chọn sản phẩm thích hợp) và các DN kinh doanh nông sản “sạch”. Hàng hóa của các DN, cơ sở SX này phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo nguồn gốc...
Theo phân tích của TS Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia tư vấn thương hiệu, thế mạnh của DN Việt hiện nay sử dụng các nguyên liệu sẵn có trong nước để làm ra các sản phẩm mới. Ngoài ra, DN Việt cũng cần khai thác thị trường “khe”, phân khúc mà các công ty đa quốc gia bỏ ngỏ hoặc chưa “phủ” tới. Ví dụ, bên cạnh sản phẩm hạt nêm của công ty đa quốc gia đang chiếm lĩnh thị phần, DN Việt có thể đưa ra các loại bột gia vị phù hợp khẩu vị theo từng vùng miền.
Chắc chắn, lúc đó bột gia vị của DN Việt sẽ được NTD chú ý. Với việc khai thác thị trường “khe” cùng với việc liên kết của các DN, chắc chắn hàng Việt sẽ tăng sức mạnh. Thực tế, đã có nhiều DN Việt trong lĩnh vực: dược phẩm, khăn giấy ướt, keo dán vật liệu xây dựng… thành công trong việc khai thác thị trường này