Tăng đều ở các nhóm hàng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính riêng tháng 7, chỉ có một nhóm hàng tăng trên 1% là nhóm giao thông tăng 1,34%. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng từ 0,05-0,5%, riêng nhóm bưu chính viễn thông không tăng.
Còn trong rổ hàng hóa tính CPI 7 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá. Trong đó, nhóm dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất tới 82,99%, tiếp đó là nhóm dịch vụ giáo dục tăng 17,06%, thực phẩm tăng 1,82%... Chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là lương thực, giảm 3,72% và bưu chính viễn thông giảm 0,43%.
Đáng lưu ý, ở 2 đầu tàu kinh tế đều có mức tăng mạnh. Tại Hà Nội, theo Cục thống kê TP, CPI trong tháng 7 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải nguyên nhân CPI tăng mạnh là do các tác động mang tính mùa vụ như việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong một tháng qua, khiến hàng giao thông tăng mạnh nhất với 1,15%. Đồng thời, Hà Nội vừa đón một lượng lớn thí sinh và người thân về thi ĐH, CĐ cũng tác động đẩy giá một số loại dịch vụ tăng cao hơn bình thường. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09% so với tháng 6.
Con số này ở TP. Hồ Chí Minh vào mức tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI của thành phố tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp trước đó. Cũng như Hà Nội, chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng mạnh nhất với mức tăng 1,3% so với tháng trước.
Ngoài 2 TP lớn, ở một số tỉnh, thành khác, cũng đều ghi nhận mức tăng khá cao như CPI Cần Thơ tăng tới 0,7%, CPI Thái Nguyên tăng 0,29%, CPI Thừa Thiên - Huế tăng 0,21%, CPI Hải Phòng tăng 0,23%...
Nguy cơ lạm phát quay trở lại
Như vậy, đà tăng lần này của tháng 7 đã đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp CPI tăng trở lại, với một tháng 6 tăng 0,05% so với tháng 5 và tăng 6,69% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong vòng nửa năm qua, kết thúc 4 tháng CPI tăng giảm đan xen.
Theo các chuyên gia kinh tế, không phải không có lý khi có những ý kiến lo ngại về sự bất ổn kinh tế từ nay tới cuối năm.
Nhất là, CPI tháng 8 chắc chắn vẫn giữ đà tăng. Dự báo này có được là do ảnh hưởng từ đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-7. Ngay sau khi xăng dầu tăng giá vài ngày, giá thực phẩm tại 2 thành phố lớn đều đã tăng nhẹ. Đó là chưa kể một số loại hình dịch vụ khác, đặc biệt là giao thông vận tải cũng đang "rục rịch” bàn phương án tăng giá. Thêm vào đó, tại Hà Nội, từ 1-8, có tới hơn 700 loại dịch vụ y tế điều chỉnh tăng giá, khả năng tác động tới CPI là rất lớn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định, việc lạm phát tháng 7 tăng trở lại là kết quả được dự báo trước, là tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, con số lạm phát này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bất ổn. Nó là dấu hiệu cảnh báo việc tăng CPI hơi sớm so với đồ thị tăng trung bình. Ở Việt Nam, theo diễn biến các năm, CPI thường có xu hướng hạ từ cuối quý 1 tới cuối quý 3, nhưng nay mới hết quý 2 đã tăng trở lại, do đó, áp lực lạm phát là không thể coi thường.
Quả thực, với mức tăng 7 tháng ở mức 6,81% so với cùng kỳ, không loại trừ khả năng, đà tăng CPI sẽ vượt quá chỉ tiêu do Chính phủ đặt ra từ đầu năm. Thêm vào đó, từ nay tới cuối năm, áp lực tăng CPI sẽ còn diễn biến mạnh mẽ hơn khi hàng loạt dịch vụ tăng giá, đơn cử như giá điện, viện phí, thậm chí học phí cũng có thể tăng. Cuối cùng là việc kiểm soát ngân sách, nếu không kiểm soát tốt nguồn ngân sách, đây cũng là một nguyên nhân gây nên áp lực lạm phát.
Riêng về vấn đề lãi suất hạ liên tiếp, TS Phong cho rằng, đà hạ lãi suất ảnh hưởng tới CPI không lớn bởi tín dụng hiện nay vẫn rất thấp, chưa tăng cao trở lại mức 13-14%.