Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong cơ cấu chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2013, ngoài 2 nhóm có chỉ số giá giảm là Nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,05%) và Bưu chính viễn thông (giảm 0,48%), các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng.
Cụ thể, do nhóm Dịch vụ y tế tăng 17,39% tác động làm cho nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,88%, tiếp đến là các nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 3,85%), Đồ uống và thuốc lá (tăng 2,69%), Hàng hoá và dịch vụ khác (tăng 2,55%), Thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 2,46%); các nhóm còn lại tăng từ 0,47-1,96%...
Trong báo cáo về tình hình giá cả mới đây của Cục Quản lý giá đã chỉ ra các yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong 6 tháng đầu năm 2013.
7 yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá
Thứ nhất, các điều kiện về tài chính toàn cầu đã và đang được cải thiện, song nhìn chung, kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng chậm và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi. Giá một số hàng hóa Việt Nam có kim ngạch xuất/nhập khẩu lớn giảm so với cùng kỳ năm 2012 tác động vào thị trường trong nước theo hướng giảm nhẹ áp lực lạm phát.
Thứ hai, sản xuất kinh doanh trong nước vẫn trong tình trạng khó khăn, cầu thị trường nội địa yếu. Tiêu thụ hàng hoá trong nước những tháng đầu năm diễn ra khá chậm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2013 tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012.
Thứ ba, trên thị trường, cung về hàng hoá đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả thị trường cơ bản ổn định, ngoại trừ một số mặt hàng như thực phẩm, may mặc, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng… tăng trong dịp Tết theo quy luật hàng năm. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, đã không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá, mặt bằng giá các hàng hoá phục vụ Tết Quý Tỵ nhìn chung không tăng cao hơn so với Tết năm trước. Sau Tết, giá cả thị trường đã nhanh chóng giảm và ổn định trở lại so với thời điểm trước Tết.
Thứ tư, giá lương thực và thực phẩm có xu hướng giảm, tác động làm chỉ số giá Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm liên tục từ tháng 3 đến nay (tháng 3 giảm 0,53%, tháng 4 giảm 0,91%, tháng 5 giảm 0,35%, tháng 6 giảm 0,08%). Đây là nhóm có quyền số lớn nhất nên tác động đến chỉ số giá chung tăng thấp.
Thứ năm, giá điện ổn định trong 6 tháng đầu năm; giá xăng dầu được giữ ổn định trong dịp Tết Nguyên đán nhờ sử dụng kết hợp công cụ thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá; giảm 3 đợt trong tháng 4; giá dịch vụ giáo dục (học phí), dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được giãn thời điểm điều chỉnh vào dịp Tết; lãi suất có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định... đã góp phần vào bình ổn giá thị trường trong dịp Tết và trong 6 tháng đầu năm 2013.
Thứ sáu, thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm vẫn trầm lắng cũng là một trong những nguyên nhân kéo theo giá cả các nhóm hàng về nhà ở, vật liệu xây dựng trong giai đoạn này khá ổn định, không có những biến động mạnh. Ngoài ra, sức ép về yếu tố tồn kho cũng đã làm cho giá cả của nhiều mặt hàng không tăng hoặc giảm giá.
Thứ bảy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, làm giảm sức ép tăng giá trong 6 tháng đầu năm; đặc biệt trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, công tác chuẩn bị nguồn hàng, cân đối cung cầu bảo đảm nhu cầu Tết được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường, giá cả tại địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xuất cấp gạo dự trữ quốc gia cho một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2013. Những giải pháp tổng thể đó đã giúp bình ổn thị trường, giá cả và giữ chỉ số giá tiêu dùng cả nước dịp Tết Quý Tỵ và 6 tháng đầu năm 2013 tăng thấp.
3 yếu tố gây sức ép tăng giá
Thứ nhất, theo quy luật hàng năm, quý I là thời gian có Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho Tết và hoạt động lễ hội, du lịch tăng, gây sức ép tăng giá 2 tháng đầu năm, nhất là giá các mặt hàng chủ yếu tiêu dùng cho dịp Tết như lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng… Ngoài ra, nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ cũng tăng nhẹ trong kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ, dịp 30/4-1/5; thời tiết nắng nóng làm tăng như cầu sử dụng điện, nước, mũ nón, giày dép... cũng gây áp lực tăng giá đối với những mặt hàng này.
Thứ hai, một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập tác động khá mạnh đến chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và đến chỉ số giá chung.
Thứ ba, giá bán xăng dầu được điều chỉnh tăng ở mức có kiếm chế (do sử dụng kết hợp công cụ thuế nhập khẩu và Quỹ bình ổn Giá) cuối tháng 3 và trong tháng 6 tác động nhất định đến chỉ số giá thị trường 6 tháng đầu năm.