Những cái chết được báo trước
Ông Đỗ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội thừa nhận đúng là doanh nghiệp bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, với tình hình như hiện nay, trong năm 2013, sẽ còn nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bị phá sản. Theo ông Phú, tại Hà Nội, tính riêng trong 6 tháng đầu năm, trong số 12.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản thì doanh nghiệp bán buôn bán lẻ chiếm tới 20% (chiếm khoảng 1/4). Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), điểm đánh giá tính cạnh tranh của các DN bán lẻ hiện đại trong nước chỉ đạt 47,6%, đứng thứ hai sau các DN bán lẻ hiện đại nước ngoài (48,6%), tiếp sau đó là chợ truyền thống và cửa hàng hộ gia đình.
Theo ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, thực ra cái chết của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được cảnh báo từ trước khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). "Các địa phương hiện đang đua nhau cho các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài vào chiếm lĩnh những vị trí đắc địa thì doanh nghiệp phân phối bán lẻ của Việt Nam bị nuốt là điều chắc chắn" - ông Thành nói.
“Đại gia” ngoại thừa thắng xông lên
Sức cạnh tranh èo uột của doanh nghiệp nội, tiềm lực vốn dồi dào, kinh nghiệm thương trường dạn dày đã là bàn đạp giúp các “đại gia” ngoại thừa thắng xông lên trên thị trường bán lẻ Việt- thị trường được đánh giá là đầy tiềm năng bất chấp nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn. Có thể điểm qua một số tên tuổi nước ngoài đã rất thành công ở thị trường Việt Nam như Metro Cash & Carry (Đức), nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam từ năm 2001, Casino Group (Pháp), nhà bán lẻ hàng đầu thế giới với thương hiệu Big C, Lion Group (Malaysia) được biết đến với thương hiệu trung tâm thương mại cao cấp Parkson với 7 chi nhánh và đang tiếp tục mở rộng, Tập đoàn Circle K (mỸ) chỉ mới hoạt động hơn 2 năm trên thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng đã phát triển hệ thống phân phối với hơn 20 cửa hàng tiện dụng.
Ngoài ra còn nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật), Diamond Plaza, Lotte Mart (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hồng Công), Gouco Group (Hà Lan)… đang không ngừng phát triển dịch vụ, mạng lưới tại thị trường Việt Nam.
Mới đây, ông trùm Thái Lan đã bước chân vào bán lẻ ở Việt Nam bằng việc mua vốn Việt tại FamilyMart sau khi Nhật Bản rút lui. Nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) công bố siêu thị đầu tiên tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2014. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart sau 2 năm nghiên cứu thị trường cũng cho biết năm 2013 sẽ mở siêu thị bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam và tiến tới xây dựng chuỗi 17 siêu thị từ nay đến 2017. Saigon Co.op và NTUC FairPrice Singapore sẽ mở đại siêu thị tên gọi Co-op Xtra đầu tiên tại TPHCM với quy mô diện tích lớn hơn Co.opMart hiện nay. AEON (tập đoàn bán lẻ Nhật) dự kiến sẽ hoàn thành khu mua sắm lớn nhất phía Tây TP HCM vào năm 2014. Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cũng cho biết có kế hoạch mở 70-80 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc tới năm 2015 và biến lĩnh vực bán lẻ thành hướng đi chiến lược của tập đoàn. Bước đầu, đại gia bất động sản này đã đưa vào hoạt động hai siêu thị Ocean Mart Hà Đông và Ocean Mart Thăng Long….
Trước sự “âm lấn” ồ ạt của các DN bản lẻ ngoại, để tranh nguy cơ chết chìm hay làm thuê cho các DN ngoại, nhiều ý kiến cho rằng các DN bán lẻ nội địa chỉ còn cách tăng cường tính liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, hỗ trợ nhau xây dựng và bảo vệ thương hiệu, thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản trị để đưa ra những chiến lược phát triển đúng đắn. Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp cũng rất cần nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước.