Vẫn phải kiểm soát chặt
Nhận định và dự báo về tình hình lạm phát năm 2013, tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng qua (11-7), các chuyên gia cho rằng lạm phát 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm.
TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện kinh tế Tài chính cho rằng, từ nay đến cuối năm, CPI có khả năng tăng do các yếu tố như chu kỳ tăng giá bắt đầu từ tháng 9 tới cuối năm bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Cùng với đó, một số giải pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ kích thích tăng trưởng kinh tế, việc điều chỉnh về giá dịch vụ như y tế, chi tiêu cho giáo dục tăng cao hơn sẽ có tác động tới CPI.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: “Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, do đó phải kiểm soát chặt các chính sách giá cả; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về giá, xử lý nghiêm vi phạm. Các mặt hàng do Nhà nước định giá, các hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón... cần được kiểm soát”.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam đánh giá, mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%. Với mức tăng của 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm chỉ số sẽ tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện.. nhưng mục tiêu cả năm có thể sẽ đạt được.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, cần cẩn trọng với kích cầu, vì kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do đó việc đẩy mạnh tổng cầu 6 tháng cuối năm là không dễ dàng. Để đạt được tăng trưởng GPD 5,5% cần những gói hỗ trợ lớn, kích cầu mạnh. Khả năng tăng trưởng tín dụng 12% là khó thực hiện nhưng vẫn cần nhất quán chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ khó kiểm soát.
Hỗ trợ trong khuôn khổ
Đánh giá về những rủi ro tác động tới lạm phát 6 tháng cuối năm, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Rủi ro của lạm phát cho cả năm vẫn còn. Tuy nhiên tới thời điểm này có thể đánh giá rủi ro đã giảm. Chính vì vậy khi nhìn vào các dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây đều cho thấy mức dự báo lạm phát năm nay giảm đôi chút so với dự báo cách đây 5-6 tháng. Dự báo gần đây cho rằng lạm phát năm nay sẽ ở mức 6-7%”.
“Đằng sau câu chuyện trên là cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ về tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này khiến các chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất linh hoạt hơn nhưng vẫn rất chặt chẽ. Thứ hai là gắn với điều hành tỷ giá cũng ở mức độ như cam kết. Bên cạnh đó, việc điều hành giá các mặt hàng Chính phủ còn kiểm soát như dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu, điện nước có thể có điều chỉnh nhưng vẫn nằm trong lộ trình cũng như có sự tính toán cân nhắc để đảm bảo lạm phát năm nay không tăng cao”, TS Võ Trí Thành phân tích.
“Trước những cải thiện hiện nay và đặc biệt dưới góc độ nhìn nhận về lạm phát thì rủi ro vẫn còn nhưng đã giảm. Nhờ đó có điều kiện bổ sung chính sách để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Nhưng tinh thần là không có sự nới lỏng hoặc đưa ra một chính sách kích cầu như năm 2009, bởi thông điệp rất rõ ràng là Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì với ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nhấn mạnh.