Sở dĩ có tình trạng trên là do thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu. Trong khi lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm.
Theo khảo sát thị trường và xu hướng tiêu dùng đối với mặt hàng sữa của FrieslandCampina, trước năm 1995 mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam dưới 3 lít/người/năm. Nhưng chỉ sau đó một vài năm, mức tiêu thụ tăng lên khoảng 10 lít/người/năm và hiện nay là trên 15 lít/người/năm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam có xu hướng tiếp tục gia tăng nên tiềm năng tăng trưởng thị trường sữa và các thức uống dinh dưỡng từ sữa vẫn còn cao.
Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp nội có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để tham gia thị trường đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá là rất tiềm năng này.
Ngoài thương hiệu lớn như Vinamilk, thời gian gần đây có thêm TH True Milk, CTCP Sữa Quốc tế (IDP) chen chân vào thị trường, song tỷ trọng và lợi nhuận vẫn chưa bù đắp được. Còn các tên tuổi cũ như sữa Mộc Châu, Ba Vì đều chiếm thị phần khá khiêm tốn và chủ yếu là cung cấp sản phẩm sữa nước trên thị trường. Còn lại các nguyên liệu sữa, sản phẩm sữa bột… vẫn đang chịu sự làm mưa, làm gió của các hãng sữa và nhà cung cấp ngoại.
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2013, giá sữa đã được điều chỉnh 3 lần liên tiếp. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng từ 7-10%, thậm chí có loại tăng 13-15%, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về các hãng sữa ngoại.
Cụ thể, hãng sữa Mead Johnson điều chỉnh tăng giá 10% với tất cả các loại sữa (14/1/2013). Tiếp đó, đồng loạt nhiều hãng sữa như Dumex thông báo tăng giá sữa từ 8,5-9%, Vinamilk tăng giá một số sản phẩm 7%, Nutifood cũng tăng giá trung bình 10%... Ngày 1/3/2013, Công ty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady từ 8-9%. Hãng sữa Abbott cũng tăng giá từ 2-9% các sản phẩm sữa…
Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng… Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục quản lý giá, giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.
Sở dĩ có tình trạng trên là do thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu. Trong khi lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 482 triệu USD cho việc nhập sữa và sản phẩm. Tính riêng tháng 6/2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là 85 triệu USD, tăng 7 triệu USD so với tháng 5/2013. Trong đó, New Zealand (chiếm 28,8% thị phần, tương đương với kim ngạch 114,5 triệu USD), Hoa Kỳ (15,5 triệu USD), Thái Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Australia… là những thị trường chính cung cấp mặt hàng sữa và sản phẩm cho Việt Nam.
Đại diện của nhiều công ty sản xuất sữa trong nước cho biết, không phải các doanh nghiệp trong nước không nhận thấy tiềm năng của thị trường này, đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng phát triển và nhu cầu dinh dưỡng ngày một cao hơn. Nhưng, để đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất sữa đòi hỏi phải có vốn lớn, công nghệ cao và điều khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất cung ứng sữa ra thị trường hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào.
Đại diện TH True Milk cho biết, khi tham gia thị trường, có đến 92% nguồn nguyên liệu sữa được nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, tỷ lệ này đã giảm xuống 72%, song sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập vẫn còn lớn. Mặc dù, hiện tại đàn bò của TH True Milk là 27.000 con, trong đó có hơn 10.000 con cho sữa, nhưng DN đang nhanh chóng đẩy mạnh kế hoạch tăng lên 45.000 con vào cuối năm 2013, nhằm giảm bớt áp lực phụ thuộc vào nguyên liệu sữa nhập ngoại.
Theo TH True Milk, giá sữa hiện nay của công ty cao hơn thị trường khoảng 10%, nhưng TH True Milk sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít đi để đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm mang lại sản phẩm tốt và giá thành rẻ hơn cho người tiêu dùng.
Tương tự, dù mới tham gia thị trường chưa lâu, IDP đã công bố chương trình phát triển nông trại bò sữa Việt Love'in Farm với tổng số vốn đầu tư 600 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một, chương trình tiếp cận và hỗ trợ khoảng 2.500 hộ với tổng số 10.000 con bò sữa tại Ba Vì và các khu vực lân cận.
Chương trình đang tiếp tục được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như Vĩnh Phúc, Hà Tây, Gia Lâm, Lâm Đồng, Củ Chi… Dự kiến đến năm 2020, IDP sẽ hợp tác thu mua sữa tươi chất lượng cao từ đàn bò lên tới 50.000 con, với sản lượng sữa trung bình đạt 450-500 tấn/ngày.
Ông Trần Bảo Minh - Giám đốc Điều hành IDP cho biết, sữa tươi nông trại Việt Love'in Farm và chương trình phát triển nông trại bò sữa Việt là hướng đầu tư dài hạn của IDP để giúp DN phần nào tự chủ về nguyên liệu sản xuất, cũng như cùng người nông dân chung tay phát triển thị trường sữa Việt là của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt.