Vui
Theo Bộ Nội vụ, việc tăng lương cơ sở thêm 100 nghìn đồng (tăng 9,5%) đợt này chỉ áp dụng với khối hành chính sự nghiệp với mức kinh phí cho việc tăng lương vào khoảng 21.700 tỷ đồng. Giảng viên trẻ Việt Hà (đang dạy tại một trường đại học ở Hà Nội) cho biết, với khoản tiền lương được tăng thêm 234 nghìn đồng/tháng, sẽ giúp chị trả tiền ăn trưa được hơn 10 ngày.
Chị Nguyễn Thị Hải, giáo viên tại một trường tiểu học ở phường Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết, với hệ số lương 3,8 từ tháng 7, lương chị được tăng thêm 380 nghìn đồng. “Dù mức tăng thấp nhưng vẫn vui vì có thêm tiền để mua sữa cho con”, chị Hải nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thông thường, hàng năm bắt đầu từ 1/1 sẽ điều chỉnh tăng lương cơ sở. Nhưng vì ngân sách khó khăn nên năm 2012 đã phải lùi tăng lương tới 1/5 và năm nay lùi tới 1/7.
Theo ông Chính, nhiều người đã nhầm tiền lương cơ sở với mức lương tối thiểu. Vì khối hành chính sự nghiệp trả lương theo hệ số nên Bộ Nội vụ gọi là lương cơ sở. “Chẳng hạn, người tốt nghiệp đại học có hệ số ban đầu là 2,34, khi tăng thêm 100 nghìn đồng tiền lương cơ sở, sẽ nhận được thêm 234 nghìn đồng/tháng”, ông nói.
Lo hàng hoá leo thang
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc được tăng lương là niềm vui đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm trong lực lượng vũ trang. Nhưng sau niềm vui được tăng lương luôn là nỗi lo về giá cả hàng hoá leo thang.
“Trong nửa tháng 6, xăng tăng giá hai lần. Giá gas tăng thêm 13.000 đồng/bình 12kg từ tháng 7. Điện cũng đang rục rịch muốn tăng giá... Mới tính sơ qua mà đã thấy hoa cả mắt”, anh Trần Anh Tuấn làm việc tại một đơn vị thuộc Bộ Tài chính lo lắng.
Qua nghiên cứu, việc tăng lương có tác động đến giá cả nhưng ít. Chủ yếu giá cả tăng là do tâm lý vì thực ra trước khi tăng lương, giá cả thị trường đã tăng rồi. Tuy nhiên, để hợp lý hóa, người ta thường vin vào tăng lương để tăng giá hàng hóa .
Bà Nguyễn Thị Lan Hương-Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)
|
Theo anh Tuấn, lương công chức hiện vẫn khá thấp dù có được tăng thêm 9,5%. Vấn đề mấu chốt là Nhà nước phải làm sao để kìm hãm hàng hoá tăng giá theo kiểu tác động domino. “Xăng dầu, điện là những loại hàng hoá thiết yếu đầu vào. Khi các mặt hàng này tăng giá, sẽ kéo theo các loại hàng hoá khác tăng theo, tác động rất lớn đến đời sống người dân”, anh nói.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng (Gia Lâm, Hà Nội), mức tăng lương 100 nghìn đồng cũng chỉ đủ tiền đi chợ trong một ngày. “Tăng lương chả thấm vào đâu so với giá sữa và một loạt hàng hoá khác ở chợ đã rục rịch tăng theo”, chị nói. “Hiện ra chợ, nhiều mặt hàng đã vin theo xăng dầu và lương để tăng. Tới đây, nếu giá điện, nước tăng, cuộc sống sẽ lại chật vật hơn”.
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, rau xanh, thịt cá,... bắt đầu tăng giá nhẹ so với thời điểm trước tháng 7. Tại các chợ Long Biên, Việt Hưng... dưa chuột tăng 2.000-2.500 đồng/kg lên 10.000 - 11.500 đồng/kg; mướp đắng tăng 1.000 đồng/kg lên 9.000 đồng/kg; rau muống, mùng tơi cũng tăng 500-1.000 đồng/mớ... “Tuần qua, rau củ quả, loại nào cũng tăng từ 500-1.000 đồng nên vì thế giá bán cũng tăng theo”, chị Nguyễn Thị Mại, chủ một chuỗi nhà hàng tại Hà Nội cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho biết, nhiều nhà cung cấp đã lẻ tẻ đề nghị tăng giá từ 5-10%, áp dụng trong 10-15 ngày tới. Các siêu thị đang lo ngại giá tăng sẽ ứ đọng hàng không bán được, mà không tăng thì lỗ vốn.
Nhiều người dân cũng lo ngại giá cả sẽ tiếp tục tăng nhanh nếu giá điện và xăng lại tăng trong thời gian tới. Thực tế, lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, vì mới đây, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã khẳng định, sớm hay muộn, giá điện cũng sẽ tăng để đảm bảo chi phí sản xuất của EVN. Trong khi đó, giá các dịch vụ y tế hiện cũng đang được Hà Nội và TPHCM dự kiến điều chỉnh tăng từ 1/8.