Một trong số những chính sách tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội là Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Thủ đô…cùng nhiều nghị định quan trọng khác của Chính phủ.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó quy định mới sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời bổ sung quy định “mở” để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, cải cách hệ thống quản lý thuế, trong đó sẽ giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc;..
Ngoài ra, các luật khác là Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Hợp tác xã; Luật Dự trữ quốc gia và Luật Xuất bản, Luật Thủ đô cũng sẽ có hiệu lực từ 1/7/2013.
Cũng từ 1/7/2013, nhiều chính sách mới liên quan tới người dân như tăng lương cơ sở; trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động…cũng sẽ có hiệu lực.
Theo Nghị định 66/2013 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng.
Mức lương này sẽ dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định. Đồng thời, mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ tính mức hoạt động phí theo quy định, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Ngoài ra, nhiều nghị định quan trọng khác của Chính phủ như Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng; Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động, về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động cũng sẽ có hiệu lực trong tháng 7/2013.
Đặc biệt, cũng từ 1/7/2013, quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó quy định rõ người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất bất thường: Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội; khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản hoặc khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý.