Vậy sau nhiều tháng chỉ số giá tiêu dùng giảm, việc chỉ số giá tăng nhẹ trong tháng này cho thấy điều gì? Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê về vấn đề này.
PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng, trong khi giá của hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng giảm?
Ông Nguyễn Đức Thắng: Theo đánh giá của chúng tôi, có những nhóm mặt hàng mọi năm tăng nhiều nhất như lương thực, thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng và giao thông… nhưng năm nay đã ổn định và kéo chỉ số giá tiêu dùng ổn định.
|
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng những tháng gần đây. (Ảnh: Tổng cục Thống kê) |
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng là do tăng giá ở các dịch vụ để quá lâu mà chưa tăng ví dụ như dịch vụ y tế, giáo dục học phí… của các tỉnh tăng lên đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của cả nước.
Mức tăng 0,05% trong tháng 6 đã đánh giá đúng thị trường trong những tháng vừa qua khá trầm lắng. Theo quy luật hàng năm, bình thường những tháng 4,5,6 và 7 sức mua thấp và chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao. Tuy nhiên, riêng năm 2013 thì sẽ rất thấp.
PV: Nhìn lại 6 tháng đầu năm, có thể thấy nhiều tháng CPI giảm. Vậy việc tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này cho thấy điều gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Thắng: Nhìn lại 6 tháng đầu năm, chúng ta có thể thấy rằng, ở 2 tháng đầu năm, CPI tăng rất cao do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán. Từ tháng 3 đến nay đã 4 tháng liên tục mức giá ổn định và CPI có xu hướng giảm. Riêng trong tháng 6 này đã có tăng nhưng mức tăng nhẹ không đáng kể.
Chúng tôi thấy rằng, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng giá khá thấp. So với 10 năm trở lại đây thì tháng 6 này mức tăng thấp nhất, chỉ tăng 2,4%. Con số này cũng cho thấy tín hiệu tích cực để chúng ta hy vọng đây là dấu hiệu kiểm soát lạm phát tốt từ các địa phương, bộ ngành thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó cũng có thể thấy rằng, tốc độ tăng thấp còn cho thấy sức mua của người dân năm nay thấp: 6 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ chỉ 4,9%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 9,8%. Qua con số này có thể thấy sức mua năm 2013 thấp hơn năm ngoái nhiều. Điều này cho thấy năm 2013 là năm cực kỳ khó khăn của sản xuất cũng như tiêu dùng. Đây cũng là điểm cần phải lưu ý.
PV: Nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo, từ nay đến cuối năm có thể sẽ có nhiều tác động khiến cho CPI tăng cao trở lại và ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm giữ lạm phát. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Thắng: Có thể khẳng định, nếu chỉ số CPI từ 6 tháng trở đi ổn định hoặc âm thì kiểm soát lạm phát yên tâm. Hiện nay mới được 4 tháng giá ổn định, còn mấy tháng nữa thì mới đánh giá được xu hướng của những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên từ nay đến cuối năm cũng còn nhiều yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tăng giá. Đồng thời với đó là những chính sách giải ngân các công trình, đẩy mạnh sản xuất; giá lương thực thời gian tới cải thiện được thì cũng ảnh hưởng đến chỉ số giá chung. Bên cạnh đó đang vào mùa mưa bão ảnh hưởng đến một số vùng, từ đó cũng có tác động đến chỉ số giá.
PV: Với vai trò là cơ quan thống kê, ông có khuyến nghị gì về điều hành giá từ nay đến cuối năm?
Ông Nguyễn Đức Thắng: Về chính sách, từ nay đến cuối năm vẫn cần điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến lạm phát và nền kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất phục hồi trở lại.
Ngoài ra cần điều hành linh hoạt giá các đầu vào thiết yếu của sản xuất như điện, than, phân bón và giá các dịch vụ y tế và giáo dục, tránh dồn vào cùng một thời điểm sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.