Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN để ổn định sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, để tránh dẫn đến tình trạng lợi dụng những hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn chặt chẽ, rõ ràng về điều kiện, hồ sơ, trách nhiệm, thẩm quyền và thời hạn giải quyết nộp dần tiền thuế nợ.
Cụ thể, Tổng cục Thuế quy định người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ tối đa không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Cơ quan thuế đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhưng người nộp thuế không có khả năng nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong một lần do kết quả sản xuất kinh doanh lỗ trong năm tài chính liền trước năm có văn bản đề nghị nộp dần tiền thuế; người nộp thuế cung cấp hàng hoá, dịch vụ sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được NSNN thanh toán và không thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định; Có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng và phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng phải cam kết với cơ quan thuế liên quan về việc bảo đảm khả năng thực hiện nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế khi người nộp thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh là cơ quan Thuế quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, thư bảo lãnh phải bao gồm các nội dung chính sau đây: tên, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại, số fax của người nộp thuế được bảo lãnh, của bên bảo lãnh và của cơ quan Thuế nhận bảo lãnh; mục đích bảo lãnh; phạm vi, số tiền thực hiện bảo lãnh; ngày phát hành bảo lãnh; thời hạn nộp số thuế được bảo lãnh; cam kết của bên bảo lãnh, ghi rõ nếu quá thời hạn nộp thuế theo quy định thì bên bảo lãnh chịu trách nhiệm đến cùng với số tiền bảo lãnh và nộp thay cho bên được bảo lãnh...
Trường hợp người nộp thuế vi phạm tiến độ đã đăng ký, sau 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp dần tiền thuế nợ (tháng vi phạm), tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp thay cho người nộp thuế, bao gồm toàn bộ số tiền được chấp thuận nộp dần người nộp thuế còn nợ, tiền chậm nộp theo mức 0,05% trên ngày phát sinh trong thời gian được nộp dần, tiền chậm nộp theo mức 0,07% trên ngày tính trên số tiền thuế nợ kể từ thời điểm vi phạm cam kết. Trường hợp quá thời hạn nộp thuế mà người nộp thuế không nộp hoặc bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ nộp thay, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế cơ quan Thuế có văn bản gửi tổ chức bảo lãnh yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Về thẩm quyền giải quyết, dự thảo Thông tư hướng dẫn nêu rõ, thủ trưởng cơ quan Thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế giải quyết đề nghị nộp dần tiền thuế nợ của người nộp thuế. Đối với, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ cơ quan Thuế quản lý trực tiếp có văn bản gửi người nộp thuế về việc chấp thuận việc nộp dần tiền thuế nợ nếu người nộp thuế đủ điều kiện hoặc không chấp thuận việc nộp dần tiền thuế nợ nếu người nộp thuế không đủ điều kiện...
Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi, Tổng cục Thuế đề xuất bổ sung một số điều quy định về tính tiền chậm nộp đối với hành vi chậm nộp tiền thuế với các trường hợp như: Nộp tiền thuế chậm so với thời hạn quy định, thời hạn được gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan Thuế, ghi trong quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan Thuế; Nộp thiếu tiền thuế do khai sai số thuế phải nộp, số thuế được miễn, số thuế được giảm, số thuế được hoàn của các kỳ kê khai trước, nhưng người nộp thuế đã phát hiện ra sai sót và tự giác nộp đủ số tiền thuế thiếu vào NSNN trước thời điểm nhận được quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, tiền chậm nộp được tính theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp đến 90 ngày; 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.
Đồng thời, người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp. Việc xác định số tiền chậm nộp được căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp tiền thuế và mức lũy tiến. Cụ thể, đối với khoản tiền thuế chậm nộp đến 90 ngày: Số tiền phạt chậm nộp = Số tiền thuế chậm nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp tiền thuế.
Đối với khoản tiền thuế chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày: Số tiền phạt chậm nộp = Số tiền thuế chậm nộp x 0,07% x Số ngày chậm nộp tiền thuế.
|