Ông Hoàng Thọ Xuân - Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại - cho biết, hiện chưa có văn bản nào quy định riêng để điều chỉnh chung về bán buôn, bán lẻ. Những quy định liên quan đến lĩnh vực nằm ở nhiều văn bản khác nhau, cơ quan chức năng nên “khu trú” lại để nhà đầu tư biết “bám” vào cái gì và người tiêu dùng nhận dạng mua gì thì vào chợ, mua gì thì vào siêu thị...
Theo ông Xuân, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hiện gặp nhiều khó khăn. Bán lẻ không còn hấp dẫn, hầu hết các siêu thị tiêu thụ chậm... Hiện tại, nhà nước đã có sẵn chính sách ưu đãi, hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, vấn đề là doanh nghiệp có biết và vận dụng được hay không. Bản thân các doanh nghiệp cần xây dựng lòng tin chiến lược ở thị trường trong nước. Nhà nước cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bán buôn, bán lẻ. “Cần có một cuốn sách như cẩm nang hướng dẫn trong ngành, tập hợp những tiêu chuẩn, quy định, ưu đãi… với từng loại hình, từng ngành, từng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, áp dụng theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa từ cách viết văn bản để tiếp cận vốn trở đi…”- ông Xuân đề xuất.
Bộ Công thương đang soạn Dự thảo quy định về tiêu chí phân loại các hình thức bán lẻ ở Việt Nam nhằm tổ chức, quản lý tốt hơn sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của loại hình bán lẻ hiện nay. Sẽ có dạng như bán lẻ qua cửa hàng và bán lẻ không qua cửa hàng. Do vậy, việc cần thiết là tái cơ cấu lại hệ thống bán buôn, bán lẻ, giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều và có sự cạnh tranh đối đầu giữa các phân khúc cơ sở bán buôn, bán lẻ có quy mô lớn, vừa và nhỏ hiện nay.
Hiện tại, nhà nước đã có sẵn chính sách ưu đãi, hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, vấn đề là doanh nghiệp có biết và vận dụng được hay không.
|