Dù là ngày cuối tuần, nhưng chợ trung tâm quận Thủ Đức vắng khách lạ thường, thi thoảng mới có một vài bà nội trợ lui tới các sạp hàng mua con cá hay xách vài miếng thịt. Nhiều người bán hàng rảnh rang vẫn buôn chuyện qua lại với nhau.
Theo chị Hường, tiểu thương bán thịt, từ sau Tết đến nay, tình hình chợ vẫn ế ẩm như vậy, ngày cuối tuần còn hơi đông chứ các ngày trong tuần chỉ lèo tèo khách tới mua sắm.
Trong khi đó, các tiểu thương cho biết, giá thực phẩm đã giảm rất nhiều, nhưng vẫn không đẩy được sức mua lên. Thịt heo, thịt gia cầm, gạo là 3 mặt hàng ế ẩm nhất hiện nay. Giá thịt heo phổ biến ở các chợ lẻ đang ở mức 65.000 – 85.000 đồng/kg, giảm 10.000 – 20.000 đồng so với hồi đầu năm, giá gạo hiện cũng đang trong tình trạng cung vượt cầu, giá giảm 2.000 – 5.000 đồng/kg. So với hồi đầu năm, có thời điểm trong tháng 5, giá gạo giảm tới 20 – 40% nhưng chợ vẫn ế. Nhiều loại rau củ cũng đang giảm giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Hiện giá rau muống còn 3.000 đồng/kg, rau lang là 5.000 đồng/kg, rau má 8.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt cũng chỉ còn 18.000 đồng/kg…
Các tiểu thương đều cho rằng, rau củ tăng, giảm vô chừng, rất khó để dự đoán được sự tăng giảm của chúng mà thường phụ thuộc vào thời tiết. Còn về giá thịt, cá dù có giảm nhưng lượng tiêu thụ vẫn ít, một phần do sức mua giảm, phần do các siêu thị đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để hút khách.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức, mỗi đêm, chợ nhập trung bình 3.000 tấn rau củ, quả. Nhưng sản lượng rau đổ bỏ cũng khá lớn vì không có khách mua, phiên chợ nào cũng dư thừa, tiểu thương phải bán đến quá trưa.
Chị Thủy, tiểu thương ở chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) cho biết, trước đây, chỉ cần đứng bán là có người hỏi mua, còn bây giờ muốn bán được hàng thì tiểu thương phải đon đả mời, có khi là giành giật khách của nhau.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cũng cho biết, qua chỉ số tiêu dùng trong lĩnh vực lương thực thực phẩm giảm liên tục trong 3 tháng qua đã cho thấy sức mua của toàn thị trường đã quá kiệt quệ. Dù nhiều mặt hàng đã giảm giá, các doanh nghiệp cũng đã khuyến mại để kích cầu nhưng sức mua vẫn không tăng. Ông Mười đánh giá “Giờ đây, người dân chỉ mua những gì thực sự cần thiết chứ không tiêu xài rộng rãi như trước nữa”.