Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 247 chợ, 125 siêu thị, 35 trung tâm thương mại và 251 cửa hàng tiện ích tại các quận, huyện. Theo đó, số lượng các cửa hàng tiện ích cũng đã tăng nhanh gấp bốn lần so với thời điểm năm 2005, với các hệ thống như Shop & Go có hơn 45 cửa hàng, Co.op Food có hơn 20 cửa hàng, Công ty Vissan có hơn 80 cửa hàng... Ða số các cửa hàng, siêu thị mi-ni này có diện tích khoảng 200 - 1.000 m2, phục vụ từ 5.000 đến10.000 các mặt hàng lớn nhỏ các loại từ thực phẩm, đồ gia dụng đến các loại mỹ phẩm, giày dép. Mô hình siêu thị mi-ni này mặc dù diện tích nhỏ, nhưng hàng hóa được bố trí rất gọn gàng và khoa học, lối đi rộng rãi và có máy điều hòa nhiệt độ... Nơi đây cũng có các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, bán hàng bình ổn như các siêu thị lớn nên cũng thu hút rất nhiều khách hàng. Chị Nguyễn Thị Út (quận 9) cho biết: "Tôi đi làm từ sáng tới tối mới về cho nên không có thời gian đi chợ. Vì vậy, tôi thường tranh thủ ghé qua cửa hàng tiện lợi để mua sắm. Tại đây có đủ những loại hàng hóa thiết yếu dùng trong gia đình, giá cả cũng không chênh lệch so với chợ truyền thống mà yên tâm về chất lượng". Ngoài ra, các siêu thị mi-ni và cửa hàng tiện lợi ở các quận vùng ven được người tiêu dùng đánh giá có nhiều ưu thế mà các siêu thị lớn trong trung tâm thành phố không có được như: rút ngắn thời gian gửi xe, không phải xếp hàng chờ tính tiền, chưa kể mặt hàng bày bán ở đây phong phú và có giá cạnh tranh không kém gì các siêu thị lớn. Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Titanmart Vũ Văn Trình cho biết: "Nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của những người dân vùng ven, ngoại thành như các quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Ðức... là rất cao. Do đó, chúng tôi phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni nhằm mang hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng". Trong khi đó, chuyên viên cao cấp thuộc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Phạm Thành Công cho biết: "Hiện nay, nhiều người tiêu dùng rất ngại đi mua sắm tại các siêu thị lớn do phải xếp hàng thanh toán và mất thời gian gửi xe dù chỉ mua ít hàng. Hơn nữa, giá một số mặt hàng trong siêu thị lớn vẫn cao hơn bên ngoài, thực phẩm đông lạnh chưa chắc đã tươi... Do đó để thu hút nhiều khách hàng, nhiều DN bán lẻ chọn hướng đi phát triển kênh phân phối hàng hóa là cửa hàng tiện ích, siêu thị mi-ni về các vùng ngoại thành là hợp lý".
Bên cạnh đó, với vai trò nhà buôn nhỏ, vào những thời điểm thị trường biến động, các siêu thị mi-ni, cửa hàng này cũng góp phần rất lớn trong việc xây dựng chương trình bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể như những siêu thị mi-ni này cũng duy trì chương trình khách hàng thân thiết bằng cách tích lũy điểm khi mua hàng. Khi tích lũy được 50 điểm trở lên, khách sẽ nhận được một phần quà có giá trị từ cửa hàng. Nắm được tâm lý người tiêu dùng, siêu thị mi-ni, cửa hàng tiện lợi thường tung ra những chiến lược khuyến mãi theo từng thời điểm, sự kiện trong năm. Mặt khác, các siêu thị mi-ni như Foocomart, Titanmart, An Khang, Starmart, cửa hàng Co.op, Thảo Nguyên có dịch vụ giao hàng tại nhà với hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên...
Qua thực tế, mô hình các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni đang đóng góp vai trò không nhỏ trong việc tạo ra một kênh phân phối tin cậy với khách hàng và tiêu thụ hàng hóa tốt cho DN tại thành phố.