Đồng loạt khai trương
Chỉ tính trong tháng 5, thị trường bán lẻ đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng thuộc kênh phân phối hiện đại.
Chú ý nhất, có lẽ là sự ra đời của đại siêu thị Co.op Xtra Plus tại quận Thủ Đức, TPHCM hồi giữa tháng 5. Đây là “sản phẩm” đầu tiên tại thị trường Việt Nam của liên doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và đối tác NTUC FairPrice (Singapore). Điểm khác biệt của đại siêu thị này là kinh doanh theo mô hình vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn.
Động thái này được giới chuyên môn trong ngành đánh giá đã thể hiện tham vọng lớn của Saigon Co.op trên thị trường bởi mô hình kinh doanh đáp ứng mọi phân khúc khách hàng, từ người tiêu dùng gia đình mua lẻ đến khách hàng doanh nghiệp, tiểu thương… và cạnh tranh trực tiếp với nhiều nhà bán lẻ khác.
Kế đến là phải kể đến các động thái của nhà bán lẻ đến từ Pháp, Big C thuộc Tập đoàn Casino. Chỉ trong vòng 10 ngày, Big C Việt Nam khai trương liên tục hai siêu thị ở hai tỉnh phía Bắc là Ninh Bình và Phú Thọ. Ngày 19-5 là siêu thị Big C tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình và hôm 29-5 là Big C Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ.
Ở phân khúc cửa hàng thực phẩm tiện lợi, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hôm 28-5 vừa qua cũng đưa vào khai thác cửa hàng Satrafoods tại quận Gò Vấp, TPHCM. Đây là cửa hàng thứ 21 trong chuỗi Satrafoods của họ và là cửa hàng thứ hai tại quận Gò Vấp này.
Cuộc đua vẫn nóng
Từ giờ đến cuối năm 2013, các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều siêu thị, cửa hàng mới.
Ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc của Satra cho biết, đơn vị này xác định mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi phù hợp để mở rộng nhanh bởi diện tích không lớn, dễ đầu tư, đầu tư nhanh. Kế hoạch của đơn vị này là trong năm 2013 sẽ có thêm hơn cửa hàng để đến cuối năm nay sẽ có hơn 30 cửa hàng thuộc chuỗi. Và trong những năm tới, mỗi năm sẽ đầu tư từ 15-20 cửa hàng để chuỗi bao phủ khắp TPHCM.
Đơn vị này cũng đã có những đầu tư bài bản hơn trước để theo kịp sự phát triển của số lượng. Theo đó, Satra đã thành lập ban điều hành của riêng chuỗi Satrafoods mà người đứng đầu là một nhân vật có nhiều năm kinh nghiệm với mô hình tương tự ở nhà bán lẻ khác chuyển về. Trong khi đó, ban quản lý hệ thống bán lẻ được giao nhiệm vụ tập trung vào tìm mặt bằng, sửa chữa, xây dựng để “chìa khóa trao tay” cho ban điều hành kể trên.
Cũng theo ông Bắc, trong năm 2013, Satra cũng đầu tư thêm một trung tâm thương mại tại đại lộ Võ Văn Kiệt mà trong đó sẽ có siêu thị, khu vui chơi, nhà hàng tiệc cưới, rạp chiếu phim…
Nhà bán lẻ Saigon Co.op thì đặt mục tiêu có thêm 9 siêu thị Co.op và 24 cửa hàng thực phẩm Co.op Food trong năm 2013, chưa kể đại siêu thị mới khai trương hôm 17-5 vừa qua.
Nhà bán lẻ tư nhân Maximark cũng đang rục rịch để triển khai dự án trung tâm thương mại nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM. Nếu dự án này hoàn thành, Maximark sẽ có 6 siêu thị trong hệ thống, nằm tại TPHCM, Cần Thơ và Khánh Hòa.
Trong khi đó, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc, LOTTE Mart cũng đang xúc tiến xây dựng để đưa hai trung tâm thương mại (trong đó có siêu thị) mới đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Đó là LOTTE Mart Bình Dương nằm thị xã Thuận An và LOTTE Mart Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận. Như vậy, đến cuối năm, LOTTE sẽ có 6 siêu thị trên địa bàn cả nước.
Việc mở rộng chuỗi đối với các nhà bán lẻ, được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng bởi đây chính là yếu tố giúp gia tăng mức độ nhận biết của thương hiệu đối với người tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng.
Quan trọng hơn, như chia sẻ của ông Bắc, số lượng của chuỗi càng lớn sẽ càng tác động đến giá mua hàng với các nhà cung cấp để từ đó có chính sách giá cạnh tranh với các đối thủ còn bản thân nhà bán lẻ lại tiết giảm được chi phí vận chuyển.