Đây là một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia vào chương trình bình ổn thị trường được nếu ra tại Hội nghị Sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và định hướng 2013 của Bộ Công thương diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội.
Theo ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty An Việt, công ty hiện đang cung cấp các mặt hàng thực phẩm an toàn đến cho các đơn vị tập thể như bếp ăn bệnh viện, trường học… với mức giá ưu đãi nhưng nhiều đơn vị vẫn tỏ ra không mặn mà.
“Họ vẫn giữ thói quen đi mua sắm ở chợ, mua của tư thương các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng, cả thực phẩm hết hạn sử dụng, kém chất lượng rồi mông má bằng các gia vị để che mắt người tiêu dùng” –ông Nam nói.
Giá thị trường biến động theo xu hướng giảm gây khó khăn cho doanh nghiệp
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, mặc dù thành phố đang tích cực phát triển hệ thống bán hàng bình ổn rộng khắp, nhưng khi đưa vào các chợ truyền thống lại gặp phải trở ngại do tâm lý “ngại” bán hàng bình ổn của một số tiểu thương vì lợi nhuận, chiết khấu thấp và khi có biến động giá cả thường vi phạm quy định của chương trình.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ, giá cả mặt hàng như đường, dầu ăn có xu hướng giảm, các doanh nghiêp dự trữ các mặt hàng phải chịu lỗ. Cùng với đó, doanh thu bán hàng bình ổn còn thấp, quay vòng bốn chậm khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi bán hàng bình ổn.
Bên cạnh đó, do thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng có sự khác biệt nên việc tiêu thụ các mặt hàng bình ổn cũng không đồng nhất về nhãn hiệu, chủng loại hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống, an toàn chưa đạt hiệu quả.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, mục tiêu của chương trình bình ổn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, cả nước có hơn 8.500 điểm bán hàng bình ổn phân bố trên 45 tỉnh, thành, địa phương, với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp. Tại nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Lạng Sơn… nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện tham gia chương trình mà không nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước.
|