Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết, năm 2012 đã có 45/63 tỉnh tham gia chương trình bình ổn giá với sự tham gia của 300 doanh nghiệp. Số điểm bán hàng bình ổn đã tăng từ 6.000 điểm năm 2011 lên 8.000 điểm vào năm 2012.
Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu của chương trình bình ổn giá đã tiếp cận được đến các bếp ăn tập thể, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa với giá giảm bình quân từ 5-10% so với giá thị trường.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá nhận định chương trình này là một công cụ khá hữu ích trong việc ổn định giá cả thị trường trong trường hợp thị trường có biến động tăng giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ gặp một số bất lợi khi thị trường có biến động lớn.
|
|
|
|
Doanh nghiệp tại Hà Nội tham gia bình ổn giá sẽ tiếp tục được vay vốn từ nguồn ngân sách với lãi suất 0%. |
|
Minh chứng cho vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá bị tác động nhiều bởi yếu tố thời vụ. Thứ nhất, trong trường hợp giá thị trường lên nhanh sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp bán hàng bình ổn nếu không kiểm soát được nguồn cung sẽ cạn nguồn hàng do cầu lớn hơn cung. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không thể tăng giá bán do quy định khi thị trường tăng giá từ 10-15%, doanh nghiệp mới có quyền kiến nghị tăng giá với các mặt hàng bình ổn.
“Đôi khi biến động tăng giá chỉ diễn ra trong vòng vài ba ngày và điều chắc chắn là có yếu tố đầu cơ từ bên ngoài”. Ông Thắng nói.
Về mặt kinh tế, bình ổn giá chỉ có tác dụng khi giá cả thị trường tăng nhưng khi giá giảm thì phần thua thiệt chắc chắn thuộc về doanh nghiệp do đã tích trữ quá nhiều hàng trước đó.
Để đối phó trước tình hình này, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản Vissan coi chiến lược đầu tư vào vùng nguyên liệu là chìa khóa để thực hiện các chương trình bình ổn giá.
Năm 2013, Vissan đã đầu tư 70 tỷ đồng mở rộng nhà máy sản xuất giai đoạn II nhà máy Chế biến thực phẩm Vissan Hà Nội với công suất hằng năm trên 2.000 tấn sản phẩm chế biến các loại.
Dự kiến, nhà máy này sẽ hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối năm 2013. Vùng nguyên liệu được nhà máy này khai thác tại thị trường phía Bắc là Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng cùng với một phần vùng nguyên liệu được vận chuyển từ phía Nam ra.
Với kinh nghiệm tham gia nhiều năm chương trình bình ổn giá, ông Văn Đức Mười cho biết: “Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp khi tham gia chương trình bình ổn giá là khi thị trường nguyên liệu biến động. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng. Mặc dù, lợi nhuận ít hơn nhưng thị phần bán hàng của doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhờ chương trình này”.
Về cơ chế ưu đãi, năm 2012, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá được vay vốn từ nguồn ngân sách với lãi suất 0%.
Cơ chế này sẽ tiếp tục được Sở Công thương Hà Nội áp dụng trong năm 2013.
Tuy nhiên, đại diện Sở Công thương TP.HCM, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Năm 2012, TP. HCM đã cho các doanh nghiệp vay 822 tỷ đồng. Năm 2013, chúng tôi không sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá vay nữa mà huy động sự vào cuộc của các ngân hàng”.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tại TPHCM sẽ được vay vốn với lãi suất 6%/năm cho khoản vay 12 tháng và 10% đối với khoản vay trung hạn tối đa 5 năm từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank);Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho doanh nghiệp TP.HCM tham gia chương trình bình ổn giá năm 2013 vay là 1900 tỷ đồng.